Trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, dọc sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang phát triển của tỉnh. Chỉ riêng huyện Nhơn Trạch đã có 30km dọc sông kết nối với TPHCM và cách nhau mỗi phà Cát Lái - điều mà bà con huyện Nhơn Trạch mong mỏi là sẽ chuyển thành cầu Cát Lái để phát triển kinh tế mạnh hơn do “gần hơn với TPHCM”.
Sau buổi khảo sát, lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM cam kết sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Đồng Nai trong việc thúc đẩy hình thành đô thị ven sông và giao thông kết nối. Và tháng 11 này được xem là “tháng 24” khi có hàng loạt chương trình ký kết hợp tác vùng của 6 tỉnh thành Đông Nam bộ ở các lĩnh vực thiết yếu như: ngày 4-11, Sở Y tế các tỉnh thành Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển ở 2 lĩnh vực điều trị và dự phòng; ngày 9-11, lãnh đạo Sở GD-ĐT 6 tỉnh thành trong vùng ký kết hợp tác chuyển đổi số trong giáo dục và hôm qua 24-11, tổ chức sàn giao dịch việc làm liên kết vùng, khu vực TPHCM với các tỉnh thành ĐBSCL, kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối cung cầu lao động khu vực TPHCM với ĐBSCL.
Nhìn rộng ra, với Nghị quyết 24, tinh thần liên kết vùng cũng “không có ranh giới hành chính” khi đều nhận ra và tìm cách tạo cái lợi của địa phương trong cái ích của kết nối vùng để đạt mục tiêu phát triển quốc gia. Điều này đã được chứng thực qua quá trình triển khai dự án Vành đai 3, chuẩn bị Vành đai 4, các tuyến cao tốc đi qua các tỉnh thành như Mộc Bài - TPHCM hay trong công tác quy hoạch hướng sông (Đồng Nai, Sài Gòn…) gắn với các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa - du lịch.
Điều còn lại và là cốt yếu quyết định sức bật của Nghị quyết 24 chính là những giải pháp đồng bộ và bền vững như: Lập quy hoạch cho vùng (với sự chủ trì của Bộ KH-ĐT) trong đó chú ý việc điều phối các không gian kinh tế, các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam - Đông Nam bộ là một trong những mắt xích.
Đặc biệt là chiến lược kết nối giao thông ở các đô thị trung tâm và ngoại vi, các dự án mang tính chiến lược quốc gia như sân bay Long Thành, cảng biển Cần Giờ, tuyến metro TPHCM mở rộng đi các tỉnh.
Thứ hai, sự cần thiết của một nghị quyết về cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ của Quốc hội, trong đó xác lập rõ 3 cách tiếp cận: những gì các vùng khác đang triển khai (như Hà Nội có Luật Thủ đô) mà phù hợp có thể áp dụng cho Đông Nam bộ; những gì Nghị quyết 98/2023/QH15 có thể áp dụng với các dự án liên vùng, có thể mở rộng cho Đông Nam bộ; một số chính sách khác có tính đặc thù của vùng thì các địa phương cùng nghiên cứu, đề xuất.
Ba là sớm có cơ chế thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hút nhà đầu tư chiến lược vào vùng, trong đó ưu tiên các ngành trong chuỗi công nghiệp bán dẫn, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, phát triển metro, cảng biển.
Cuối cùng là cụ thể hóa lộ trình thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và Quỹ Phát triển hạ tầng Đông Nam bộ. Hai “định chế” tài chính này có cùng điểm chung là xác lập vai trò trung tâm tài chính - ngân hàng của TPHCM và công cụ là Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).
Một gợi ý rất đáng chú ý tại hội thảo đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng Đông Nam bộ do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức tháng 10 vừa qua, là sự cần thiết thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng nhằm đủ sức đồng hành dự án ở các lĩnh vực trọng yếu, có số vốn rất lớn. Nó phải “thoát” khỏi tính chất, phạm vi của quỹ đầu tư phát triển địa phương để hướng tới một cơ chế hoạt động độc lập, chuyên nghiệp, có cơ sở pháp lý vững chắc, có phạm vi hoạt động đủ rộng, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế. Nguồn vốn của quỹ chỉ gồm một phần vốn nhà nước, phần còn lại là huy động trong và ngoài nước…