Tiêu chuẩn xanh và đào tạo nhân lực
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn, lộ trình về chuyển đổi xanh, như Singapore, Thái Lan, Indonesia, khi những chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất chúng ta tham gia bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế xanh từ 2025. Nếu chậm trễ, những doanh nghiệp ngành dệt may, gỗ, cà phê sẽ không được vào các thị trường phát triển nếu liên quan tới hoạt động phá rừng và gây ô nhiễm quá mức.
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Amcham, chia sẻ, các DN thành viên Amcham ủng hộ xây dựng nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong việc thực hiện quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Việc chưa có định mức chi phí tái chế (Fs) dẫn đến khó khăn trong lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Ở khía cạnh khác, PGS-TS Lê Trung Chơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhận định hiện tại Việt Nam đang thiếu một nền tảng vững chắc về kinh tế xanh, nhất là trong giáo dục - đào tạo.
Đồng tình quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tư vấn: Chúng ta có thể học hỏi từ Chương trình quốc gia của Singapore về đào tạo nguồn nhân lực và doanh nghiệp về kinh tế xanh. TPHCM cũng cần các trường đại học đầu tàu đưa nội dung kinh tế xanh vào đào tạo cho cộng đồng và doanh nghiệp có nhu cầu.
Những giải pháp khả thi
Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để có thể thực hiện chuyển đổi xanh, TPHCM có 3 hướng tiếp cận. Thứ nhất, chuyển đổi 3 ngành truyền thống là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ sang hướng phát triển xanh. Thứ hai, giảm thiểu phát thải từ hoạt động giao thông và sinh hoạt bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng và các biện pháp giảm thải khác. Thứ ba, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lẫn giảm chi phí, tăng tính bền vững cho các hoạt động kinh doanh. Trong đó, việc sử dụng các phương tiện vận chuyển bền vững như xe điện và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời có thể đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, gợi mở, để có đơn hàng “xanh” giúp hạt gạo Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường khó tính, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khác trong nước cần xây dựng hệ thống kiểm soát truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số đủ năng lực để quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu cây giống đến quy trình trồng trọt tại các trang trại, bao tiêu thu mua, sản xuất thành phẩm, vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm gạo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo tồn môi trường đất, không khí, nguồn nước và đa dạng sinh học, sử dụng có trách nhiệm phân bón và hóa chất…
Theo ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group: Điện áp mái là một giải pháp rất hữu hiệu và sẽ đóng góp lớn vào việc giảm áp lực trong tiêu thụ năng lượng, từ đó có đóng góp cho sự phát triển kinh tế xanh của thành phố. TPHCM cần khuyến khích và có chính sách hỗ trợ để các tòa nhà cao tầng sử dụng năng lượng tái tạo.
Từ năm 2020, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã đầu tư giai đoạn 1 của Dự án điện mặt trời mái nhà với hơn 107 tỷ đồng tại các nhà máy ở một số tỉnh thành. Ngày 15-5, SABECO ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Năng lượng Singapore triển khai giai đoạn 2. Dự kiến từ cuối quý 3-2023, toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà tại 17 nhà máy bia SABECO có thể đáp ứng gần 23% lượng điện tiêu thụ, giúp tiết kiệm 25 triệu kWh điện, tương đương 18.000 tấn CO2 được cắt giảm mỗi năm.
TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của Selex Motors, đề xuất: TPHCM cần lộ trình và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh. Trước hết, xem xét ưu tiên chuyển đổi xe điện với nhóm đối tượng xe ôm công nghệ (shipper) vì tính hợp lý về mặt kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Việc sử dụng xe điện trong nhóm shipper cũng có thể là một bước đầu trong việc thúc đẩy sử dụng phương tiện vận chuyển bền vững. TPHCM hiện có khoảng 500.000 shipper với tiền xăng chiếm khoảng 50% trong chi phí vận hành và xả thải có thể tới 4 tấn/ năm/ xe (và cần tới 200 cây xanh để trung hòa CO2 thải ra).
Ngoài ra, thành phố có thể hỗ trợ giá điện và địa điểm để thúc đẩy việc xây dựng trạm cung cấp điện/đổi pin dùng chung cho xe điện của các công ty. Nghiên cứu kinh nghiệm hỗ trợ thuế, phí và tiếp cận tài chính tại Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ (thuế VAT, thuế trước bạ, hỗ trợ 400-500 USD/xe máy điện hoặc đánh thuế vào các ngành kinh tế xả thải CO2).
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: “Gỡ rối” nút thắt, kiến tạo cơ chế
Công cụ chính sách sắp tới của TPHCM bắt đầu từ những nội dung đang được dự thảo trong cơ chế đặc thù trình Quốc hội trong tháng 5. Hai nguyên tắc mà cơ chế này nhắm tới tập trung vào “gỡ rối” các nút thắt phát triển cho thành phố, và kiến tạo các cơ chế để thu hút nhà đầu tư chiến lược và chuyên gia về chuyển đổi xanh. Trong đó có những ưu tiên như: Thu hút nhà đầu tư chiến lược về nghiên cứu và phát triển ở các lĩnh vực kinh tế xanh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, năng lượng sạch; Hoàn thiện bộ máy tổ chức, tiến tới thành lập Sở An toàn vệ sinh thực phẩm - cơ quan quản lý liên quan đến kinh tế xanh…
Ưu tiên dự án xanh
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ngày 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ các định hướng thu hút đầu tư chủ yếu bao gồm: Hợp tác đầu tư có chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, ưu tiên thu hút các dự án liên quan đến công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, bao gồm: xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, thân thiện môi trường và đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Phát biểu tại đây, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, nhấn mạnh: Việt Nam cần khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo để tuân thủ các yêu cầu từ EU và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một quốc gia thịnh vượng, kiên cường và phát triển bền vững với nền kinh tế xanh.
Trong khi đó, bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc Điều hành VFT Industry UG, Đức, chia sẻ: Chúng tôi đã có công nghệ của Đức để sản xuất ít phát thải cho Việt Nam. Việc sản xuất điện dựa trên các công nghệ được cấp bằng sáng chế của Đức mà chúng tôi sẽ triển khai tại Việt Nam, ước tính sẽ sản xuất 700.000.000 kWh/năm. Chúng tôi cũng mong muốn đạt được mức phát thải bằng 0 ngay từ những ngày đầu tiên và tạo ra khoảng 800.000 chứng chỉ vàng CO2 hàng năm.
TÂM CHÍNH