Hãng tin Yonhap cho biết, khuyến cáo được đưa ra vào lúc 2 giờ 30 sáng, sau khi Triều Tiên thông báo tới Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản kế hoạch nói trên, trong đó cho biết vệ tinh sẽ được phóng hướng về Hoàng Hải và biển Hoa Đông.
Bức ảnh cho thấy một vụ phóng tên lửa Chollima-1của Triều Tiên, được cho là mang theo một vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1, từ Tongchang-ri tại bờ biển phía Tây trên lãnh thổ Triều Tiên hồi tháng 5. Ảnh: Yonhap |
Theo phía Nhật Bản, thông báo nêu rõ 3 vùng biển được cho là trong phạm vi các mảnh vỡ của tên lửa có thể rơi xuống, bao gồm 2 khu vực phía Tây của bán đảo Triều Tiên và khu vực ở phía Đông đảo Luzon của Philippines.
Trước thông tin này, cũng trong sáng ngày 21-11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một vụ phóng vệ tinh từ phía Triều Tiên. Ông Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng, đồng thời sẽ phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc để thuyết phục Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch này.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng có thể đẩy nhanh việc thực hiện ý định phóng vệ tinh nói trên “sớm nhất trong tuần này”, đồng thời kêu gọi chính quyền Triều Tiên ngừng “ngay lập tức” việc chuẩn bị cho vụ phóng. Trung tướng Kang Ho-pil, giám đốc điều hành của Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc, cho biết Seoul sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” nếu Triều Tiên tiếp tục vụ phóng.
Theo Reuters, ban đầu, Triều Tiên lên kế hoạch thực hiện vụ phóng vệ tinh mới vào tháng 10 sau 2 vụ phóng bất thành hồi tháng 8 và tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện vào tháng trước, làm dấy lên suy đoán rằng có thể cần thêm thời gian chuẩn bị. Seoul và Washington đã cảnh báo Triều Tiên không nên phóng tên lửa với lý do đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó cấm bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.