Lo thiếu tôm nguyên liệu cho xuất khẩu

Giá tôm tăng, thị trường xuất khẩu tôm đang “ấm” dần. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL lại lo lắng vì nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt.
Do có nhiều rủi ro, người nuôi tôm ở ĐBSCL đang dè dặt thả tôm nuôi. Ảnh: Tuấn Quang
Do có nhiều rủi ro, người nuôi tôm ở ĐBSCL đang dè dặt thả tôm nuôi. Ảnh: Tuấn Quang

Từ giữa tháng 8-2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL tăng trở lại sau thời gian dài giảm mạnh và “chạm đáy” vào tháng 7-2023. Tại Cà Mau, một số nhà máy chế biến tôm xuất khẩu vừa thông báo giá thu mua tôm thẻ chân trắng (áp dụng khu vực tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang) loại 30 con/kg là 133.000 đồng, loại 50 con/kg là 104.000 đồng, loại 100 con/kg là 88.000 đồng. Với mức giá này, dù chưa đạt được kỳ vọng của người nuôi, song vẫn là tín hiệu vui sau thời gian dài giá tôm “lao dốc”.

Ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, cho biết, dù nâng giá thu mua, nhưng số lượng tôm phục vụ chế biến xuất khẩu doanh nghiệp mua được gần đây rất ít, vì nguồn hàng khan hiếm. Tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tôm cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo ông Huỳnh Thanh Tân, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu tôm nguyên liệu là do thời gian qua, giá tôm xuống quá thấp, người dân hạn chế thả nuôi. Đến nay, khi giá tôm tăng trở lại, nông dân không có tôm để bán.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu sẽ còn kéo dài. Nguyên nhân là do giá tôm liên tục “nhảy múa”, trong khi đó, giá vật tư đầu vào cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, vì vậy nông dân rất dè dặt khi thả nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân ở Sóc Trăng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay với người nuôi tôm là vốn. Nông dân mong muốn chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách có cơ chế hỗ trợ về vốn cho người nuôi tôm.

Trước thực tế tôm nguyên liệu khan hiếm, ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL cho biết đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh Sóc Trăng, thông tin: Địa phương xây dựng chương trình phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ bà con tiếp cận các gói vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở phát triển, mở rộng diện tích nuôi tôm đối với các mô hình nuôi đạt hiệu quả; hỗ trợ các hợp tác xã nuôi tôm tiếp cận nguồn vật tư đầu vào (như: giống, thức ăn, thuốc…) với giá cả hợp lý.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ khởi sắc từ nay đến cuối năm. Hiện các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, nên giá tôm từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tiếp tục tăng.

“Thủ phủ” bưởi Phúc Trạch được mùa lớn

Những ngày này, tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) - nơi trồng bưởi Phúc Trạch lớn nhất miền Trung, người dân đang nhộn nhịp vào vụ thu hoạch. Vụ mùa năm nay tiếp tục được mùa lớn, đặc biệt do nắng nóng nhiều, mưa ít, việc chăm sóc, thụ phấn đúng kỹ thuật nên bưởi cho quả nhiều, đều đẹp, chất lượng ngọt và giá cả khá cao.

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê, vụ mùa năm nay toàn huyện có 2.768ha bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.912ha, tổng sản lượng ước đạt 21.037 tấn, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng. Bưởi Phúc Trạch đã được đưa vào tốp 50 đặc sản trái cây của Việt Nam. Thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi” và là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1-8-2020.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục