Những ngày này, ông Nguyễn Văn Đông (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tất bật gọi điện khắp nơi để tìm nhân công hái cà phê cho khu vườn 4ha nhưng chưa có ai nhận lời. Năm nay, do dịch Covid-19, nhân công tỉnh khác không thể vào Đắk Lắk, buộc ông phải tìm đủ mọi cách xoay xở. Ông Đông cho biết, nếu không có hướng giải quyết thì 2 vợ chồng ông tự hái và mất đến 3 tháng mới xong. Khi đó, cà phê sẽ hao hụt sản lượng rất lớn và mất chất.
Còn tại huyện Đắk Hà - vùng cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với diện tích đang thu hoạch là hơn 10.000ha, mỗi năm, nhu cầu lao động hái cà phê là hơn 20.000 người. Trong đó, lao động đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk chiếm 30%. Do ảnh hưởng dịch, huyện Đắk Hà có chủ trương không nhận lao động ngoại tỉnh. Vì thế, tìm kiếm lực lượng hái cà phê bù đắp cho 30% lao động này là bài toán khó của địa phương.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng thống kê: dự kiến niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000ha và cần trên 13 triệu công lao động phục vụ thu hái. Dự báo khả năng lực lượng lao động thu hái tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 50%. Phần còn lại địa phương đang cố gắng tìm kiếm.
Theo ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), để giải quyết nạn thiếu lao động, huyện thành lập các tổ hái cà phê ở các xã. Bên cạnh đó, thời gian qua, rất nhiều công dân từ vùng dịch về địa phương đã được cách ly. Huyện dự kiến khi những người này hoàn thành cách ly y tế thì sẽ sử dụng họ làm công nhân hái cà phê, cũng là cách tạo điều kiện để họ có thu nhập. Mặt khác, huyện đã có văn bản đề nghị quân đội hỗ trợ thu hái cà phê giúp dân.
Tại Đắk Nông, theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, đơn vị đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn những người hiện chưa có việc làm thành lập tổ, nhóm phục vụ công tác thu hoạch cà phê tại các địa phương. Địa phương cũng rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho các hộ nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.