Sự lo lắng càng thêm gia tăng khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đã có sự xuất hiện của virus kháng thuốc sốt rét tại Việt Nam.
Nhiều ca sốt rét mới
Tại Khoa Nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), trong 2 tuần qua đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc sốt rét, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh nhân tử vong đầu tiên là Đào Vĩnh T. (28 tuổi), vừa từ châu Phi (Angola) về Việt Nam và lưu trú tại tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt run, vàng da, vàng mắt, phân có lẫn máu, rồi rơi vào trạng thái mê sảng.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng và suy gan cấp. Tại đây, sau khi thăm khám cùng khai thác dịch tễ nơi bệnh nhân từng lưu trú, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến sốt rét và tiêm thuốc điều trị sốt rét. Kết quả xét nghiệm sao đó cũng cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sốt rét thể nặng, nhiễm ký sinh trùng P.Falciparum. Mặc dù được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh nặng dần và người nhà xin đưa bệnh nhân về trong tình trạng hấp hối.
Bệnh nhân đang điều trị sốt rét tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Tương tự, bệnh nhân Vi Văn C. (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phát bệnh sau 2 tuần đi làm rẫy tại tỉnh Bình Phước trở về. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và được các bác sĩ chẩn đoán sốt rét ác tính, suy đa tạng thể gan, thận. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ được cho uống loại thuốc điều trị sốt rét thể thông thường và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc sốt rét ác tính, biến chứng não, gan, thận, suy hô hấp nặng và đã xử lý cấp cứu, tiêm thuốc, thở máy, lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh nặng và cũng được gia đình xin về trong tình trạng hấp hối.
Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay đã tiếp nhận 113 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 19 trường hợp mắc thể ác tính. Trước đó, trong tháng 11-2017 cũng đã có 4 bệnh nhi từ các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước được chuyển xuống điều trị sốt rét tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết, thông thường trước đây người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người lớn, nhưng vài năm trở lại đây có sự xuất hiện của trẻ em. Đây là điều đáng lo ngại, bởi so với người lớn thì trẻ em mắc sốt rét sẽ dễ diễn tiến sang thể nặng và tử vong hơn.
Bổ sung thuốc tiêm Artesunate
Tiến sĩ Nguyễn Hoan Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, cho biết hiện có 5 loại ký sinh trùng sốt rét lưu hành trên thế giới. Tại Việt Nam, có 3 loại lưu hành chủ yếu là P.Falciparum, P.Vivax và P.Malariae. Bệnh nhân mắc sốt rét thể ác tính phải được điều trị với thuốc kháng sốt rét tiêm; thể thông thường điều trị với thuốc kháng sốt rét uống. Nhưng với thể thông thường, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng liều, đường dùng, hoặc dùng trễ cũng có nguy cơ chuyển sang ác tính hoặc kháng thuốc.
Trường hợp của bệnh nhân Hồ Thị Ngọc H. (55 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là ví dụ điển hình. 2 tuần trước, bà H. sốt, lạnh run, ho. Khi điều trị tại bệnh viện địa phương, bà H. được chẩn đoán mắc sốt rét, nhưng do không có thuốc điều trị sốt rét ác tính nên bà chỉ được truyền máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính, thể gan, thận, thiếu máu nặng. Mật độ ký sinh trùng ác tính trong máu bệnh nhân là 400.000/mm3. Theo bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, hiện bà H. vẫn còn thiếu máu nặng và điều đáng lo ngại là bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng gien kháng thuốc (kháng với nhóm Artemisinin, nhóm điều trị sốt rét chủ lực).
Mới đây, WHO cũng công bố đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5 quốc gia tiểu vùng sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. WHO cho biết, các ký sinh trùng sốt rét đã kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả Artemisinin - là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện nay.
Nhận định về thông tin này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi khi virus sốt rét kháng thuốc, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, bác sĩ phải phối hợp nhiều loại thuốc với nhau, thời gian điều trị cũng kéo dài và tệ hơn là có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết hiện nhiều địa phương không có thuốc điều trị sốt rét, do bệnh này đã được thanh toán từ lâu. Tuy nhiên, trước nguy cơ bệnh sốt rét có thể quay trở lại và để bệnh nhân không rơi vào kháng thuốc hoặc mắc thể ác tính, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú kiến nghị ngành y tế cần cung cấp thuốc tiêm Artesunate cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh sốt rét cho các bác sĩ tuyến dưới, tránh nhầm lẫn sốt rét với các bệnh khác như sốt xuất huyết.
Các bác sĩ cảnh báo, hiện sốt rét là bệnh truyền nhiễm chưa có vaccine phòng bệnh, do đó người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách ngủ mùng có tẩm thuốc, phun thuốc, hóa chất chống muỗi. Sau khi đến các vùng có lưu hành dịch, nếu có dấu hiệu sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy), đau đầu, da xanh hoặc vàng thì nên đến các cơ sở y tế đề nghị xét nghiệm tìm vi trùng sốt rét.