Sinh viên năm cuối trở lại trường
Nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM đã đồng loạt lên kế hoạch cho phép sinh viên trở lại trường để học tập, thực hành, làm luận văn tốt nghiệp.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đã cho phép sinh viên trở lại trường để học thực hành, thực tập, làm đồ án và luận văn tốt nghiệp. Ngày 21-10, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) mở cửa đón sinh viên vào học tập tại thư viện. Sinh viên được phép vào trường là người đã được tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Khi vào trường, sinh viên phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR ở cổng trường.
Trường ĐH Bách khoa cho biết đến chiều 20-10, đã có hơn 2.000 sinh viên đăng ký học tập trung tại trường. Qua đó, trường sẽ lên kế hoạch, sắp xếp lớp học đảm bảo điều kiện phòng chống dịch theo quy định của ngành y tế và thành phố. Bước thử nghiệm này áp dụng giới hạn trong việc dạy - học thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, đề cương luận văn tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp. Cùng với đó, nhà trường cũng cho phép một số sinh viên năm cuối đủ điều kiện (tiêm đủ liều vaccine) có nhu cầu đến trường sử dụng phòng thí nghiệm làm luận văn tốt nghiệp.
TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, dự kiến ngày 25-10, những sinh viên đầu tiên sẽ trở lại trường học các môn thí nghiệm, thực hành. Nhà trường vừa thông báo cho sinh viên khóa 8-9 đăng ký đến phòng thực hành, thí nghiệm làm đề tài, khóa luận chuẩn bị kết thúc khóa học. Điều kiện cụ thể, sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Ngày 23-10, giảng viên báo về các khoa, phòng đào tạo sẽ phối hợp báo cáo trưởng đơn vị duyệt và bố trí sinh viên tham gia.
Nhiều trường ĐH khác tại TPHCM cũng cho sinh viên năm cuối đăng ký đến trường học thực hành, thực tập, làm đồ án tốt nghiệp. Số sinh viên học thực hành, thực tập sẽ được chia thành các nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các trường ưu tiên cho sinh viên năm cuối để hoàn thành thực hành, thực tập, làm đồ án tốt nghiệp…
Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền Thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học viên cao học thực hành, thực tập và làm đồ án, luận văn tốt nghiệp, nhà trường áp dụng nhiều giải pháp phòng chống dịch. Để giải bài toán cho các buổi học thực tế, thực tập tại doanh nghiệp, nhà trường áp dụng công nghệ tham quan thực tế ảo tại doanh nghiệp để sinh viên trải nghiệm và công nhận học phần này. Việc đo thân nhiệt, khử khuẩn khi ra vào trường cũng áp dụng công nghệ tự động.
Trường cao đẳng gặp trở ngại
Đối với các trường nghề, sinh viên học thực hành tới 70%, trong đó có thực hành, thực tập tại trường, thực tập tại doanh nghiệp và đồ án tốt nghiệp. Phần khó nhất hiện nay của các trường chính là thực tập tại doanh nghiệp, chương trình liên kết quốc tế dường như bế tắc.
Theo TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự trọng, số sinh viên năm cuối hệ trung cấp (K.18) và hệ cao đẳng (K.19) toàn trường gần 2.000 em chưa thể đến trường học thực hành nên phải hoãn thi tốt nghiệp. Theo TS Phạm Hữu Lộc, hiện phụ huynh, sinh viên và nhà trường đều mong ngóng UBND TPHCM sớm ban hành hướng dẫn việc cho sinh viên trở lại trường học tập. Trong khi từ ngày 1-10, thành phố đã nới lỏng giãn cách, hơn 1.000 doanh nghiệp liên kết với nhà trường đang sốt ruột đợi các em thực tập cũng như tuyển dụng khá nhiều nguồn nhân lực phục vụ sản xuất.
TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TPHCM cho biết, hàng ngàn sinh viên năm cuối của trường đã chậm tốt nghiệp gần 3 tháng qua. Hiện rất nhiều doanh nghiệp liên kết với nhà trường đang khát nhân lực. Nhưng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khiến chương trình học của sinh viên bị kéo dài hơn dự kiến, các em chưa thể thực hành nên chưa tốt nghiệp, chưa cung ứng được lao động có tay nghề cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký. Trong khi bậc phổ thông đã có kế hoạch dự kiến cho các em trở lại trường từ học kỳ II năm học 2021-2022, riêng giáo dục ĐH, CĐ đang mong thành phố sớm có kế hoạch cụ thể để các trường tính toán nhằm đảm bảo quyền lợi học tập và việc làm, nhất là với sinh viên năm cuối, đúng với cam kết của nhà trường với phụ huynh.
ThS Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho biết, trường có nhiều chương trình phối hợp với Tập đoàn Knappschaft (Đức) cung ứng lao động ngành điều dưỡng. Đầu tháng 5-2021, trường đã gửi một số sinh viên chuyển tiếp sang Đức. Dù vậy, hiện 12 sinh viên chương trình 2+2 (2 năm tại Việt Nam và 2 năm học ở Đức) đang chậm tiến độ. Theo lịch ban đầu, các em sẽ thực hành tại bệnh viện ở Việt Nam từ tháng 5-2021 để hoàn tất các học phần trong nước trước khi chuyển tiếp, tuy nhiên do dịch bệnh đến tháng 10-2021 nhóm sinh viên này mới chuẩn bị thực tập. Vì vậy, thời gian sang Đức sớm nhất cũng phải đầu năm 2022.
Mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) có văn bản 2036 về tổ chức thi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ CĐ bằng hình thức trực tuyến, gửi Sở LĐTB-XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở GDNN. Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM, văn bản 2036 là “hướng mở” cho trường nghề trong giai đoạn khó khăn hiện nay bởi dịch bệnh nhưng các trường vẫn còn e dè. Sở đã xây dựng một bộ tiêu chí riêng cho khối GDNN, hiện đang chờ UBND TPHCM phê duyệt. Các trường CĐ, trung cấp nếu đáp ứng đủ điều kiện thì xây dựng phương án cụ thể việc tổ chức học trực tiếp cho sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, trình UBND TPHCM. Các trường cứ chủ động và sẽ chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, giúp sinh viên năm cuối thuận lợi đến trường, đến doanh nghiệp thực hành, thực tập, đảm bảo tích lũy đủ tín chỉ để xét tốt nghiệp sớm. |