Lo nhiều chỉ tiêu khó về đích

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội thì cần phải nỗ lực rất lớn. Ngoài GDP, việc hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng không dễ dàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tiếp tục phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 16-10, UBTVQH nghe các báo cáo và cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, bao gồm cả việc đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế mới đạt 4,24%, tạo áp lực lớn đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%. Bình quân 3 năm 2021-2023 ước tăng trưởng GDP đạt 5,17-5,5%, thấp hơn bình quân 3 năm 2016-2018 (7,03%).

Thời gian tới, theo dự báo của Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư… Bên cạnh đó, những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế không thể sớm khắc phục. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn; độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn, báo cáo nêu rõ. Trong bối cảnh đó, không chỉ mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó đạt, mà áp lực đặt ra đối với các năm còn lại trong giai đoạn 2021-2025 là tương đối nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của các ngành, các cấp, cần phải có nhiều quyết sách mới, tìm ra nhiều động lực, cơ hội mới để tăng tốc, bứt phá.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình với nhiều nhận định của Chính phủ. Dẫn lại nhận định của một số định chế tài chính quốc tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023 (cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là 4,7%, năm 2024 là 5,5-5,8%), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) thì cần phải có nỗ lực rất lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 16-10 của UBTVQH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 16-10 của UBTVQH

Ngoài chỉ tiêu GDP, việc hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng không dễ dàng. Từ nay đến cuối năm, lạm phát vẫn có rủi ro tăng cao cùng với việc tiếp tục triển khai lộ trình điều chỉnh giá Nhà nước quản lý (điện, học phí, giáo dục...) và tác động từ các yếu tố ngoài nước. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện đến cuối năm 2023 đạt 23,8%-23,9%GDP, trong khi mục tiêu kế hoạch là trên 25% GDP.

Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân ước thực hiện đến cuối năm 2023 khoảng 3,77% - 4,76%, ước thực hiện cả giai đoạn 2021-2023 là 4,36% - 4,69%, thấp hơn so với bình quân 3 năm 2016-2018 (6,26%), còn khoảng cách đáng kể so với mục tiêu kế hoạch (bình quân trên 6,5%).

Tỷ lệ đô thị hóa (tỷ lệ dân số thành thị trong tổng dân số cả nước) ước thực hiện năm 2023 là 42,7%; ước bình quân giai đoạn 2021-2023 là 38,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch là bình quân khoảng 45%. Chỉ tiêu đạt tuổi thọ trung bình khoảng 75,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu 67 năm cũng được dự báo sẽ không đạt.

Tin cùng chuyên mục