Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về việc các giáo viên “lười”, ngại đổi mới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thành công của việc đổi mới giáo dục phổ thông.
Ngày 22-9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Đảng ta luôn coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Thời gian qua, các cấp các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội luôn trăn trở, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng GD-ĐT, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới, nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng ngày càng tốt hơn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với tư cách là cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát và tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo này.
"Hội thảo là cơ hội để lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ những quan điểm, ý tưởng và giải pháp phát triển giáo dục phổ thông, tạo cơ sở lý luận - thực tiễn phục vụ việc nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật trong giáo dục phổ thông" - Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều thách thức trong giáo dục phổ thông
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh rằng, GD-ĐT của Việt Nam đã có những kết quả nhất định, nhưng nhận thức về thực trạng và các chính sách cụ thể trong GD-ĐT, nhất là GDPT vẫn còn phân tán và có nhiều ý kiến khác nhau.
“Ủy ban mong muốn có sự đồng thuận trong nhận thức, có những ý kiến quý cho quản lý chung, từ đó có những nhìn nhận lan tỏa trong xã hội về sự phấn đấu, cố gắng của một đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết với giáo dục”, ông Bình nói.
Vì vậy, Ủy ban chọn hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông như một vấn đề đầu tiên tạo nền tảng cho phát triển giáo dục Việt Nam.
Hội thảo lần này sẽ làm rõ khuynh hướng giáo dục trên thế giới và những vấn đề của Việt Nam, quản lý giáo dục phổ thông (GDPT) tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm từ thực tế nhằm nâng cao chất lượng.
Những thảo luận tại hội thảo tập trung vào chương trình GDPT, đội ngũ giáo viên phổ thông - yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng GDPT; quản lý trong GDPT...
Tại hội thảo, Tiến sĩ Keiko Inoue, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong bài phát biểu chia sẻ về các xu hướng cải cách giáo dục toàn cầu, ý nghĩa đối với Việt Nam đã đưa ra những khuyến nghị đáng chú ý với giáo dục Việt Nam.
Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục tốt ngay từ những năm đầu đời và Chính phủ phải đầu tư cho vấn đề này Theo bà Keiko Inoue, đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang lại nhân quyền, xóa nghèo bền vững và thúc đẩy sự thịnh vượng chung, lợi về tài chính và phi tài chính cho cá nhân và xã hội… Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục ngay từ những năm đầu đời và Chính phủ phải đầu tư cho vấn đề này.
"Những kỹ năng suốt đời của mỗi con người được tạo ra từ những năm đầu đời này và trường học là nơi để giúp các em hình thành nên những kỹ năng đó, cả về nhận thức, cảm xúc xã hội, kỹ năng làm việc với người khác", bà Keiko Inoue nói thêm.
Bà Keiko Inoue cũng cho rằng, Việt Nam có những kết quả ấn tượng về GDPT, trong đó thể hiện qua kết quả PISA 2015 khi nằm trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu. Đây là điều đáng ngạc nhiên đối với thế giới, thậm chí nhiều người băn khoăn không biết Việt Nam đã làm gì để đạt được kết quả ấn tượng như vậy? Thế giới đang theo dõi và trông chờ kết quả PISA 2018 tới đây của Việt Nam.
“Bí quyết thành công của Việt Nam là gì? Đó là động lực mạnh mẽ của HS-SV, kỳ vọng cao của phụ huynh, mức độ cam kết của giáo viên…”, bà Keiko Inoue chỉ rõ.
Tuy nhiên, vẫn theo bà Keiko Inoue, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều thách thức không dễ vượt qua, tỷ lệ học sinh hoàn thành THPT vẫn thấp, chỉ đạt 57% vào năm 2015; học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, nông thôn vẫn chịu nhiều thiệt thòi, có phần bị tụt hậu về chất lượng giáo dục; học sinh nữ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là ở vùng nghèo; lương giáo viên chủ yếu dựa trên thâm niên. HS-SV Việt Nam vẫn đang dành thời gian học cả ngày ở trường, nhưng điều này cũng không đồng đều, dựa vào sự chi trả của phụ huynh. Hệ thống giáo dục đại học vẫn thiếu sự cạnh tranh, định hướng hoạt động, tự chủ về tài chính và hỗ trợ sinh viên. Đây là điều mà giáo dục Việt Nam phải xem xét.
“Ở nhiều quốc gia, 3 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất được bồi dưỡng để làm giáo viên. Chúng ta phải bảo đảm chọn được giáo viên tốt cho học sinh”, bà Keiko Inoue.
Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam ra trường vẫn bị thiếu hụt nhiều kỹ năng nhất là về sáng tạo, tự giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo. Đây là điểm yếu khi hội nhập, và giáo dục Việt Nam cần phải khắc phục điều này, nhất là trong bối cảnh công việc ngày càng được tự động hóa, sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt hơn để thu hút FDI, lương cũng tăng hơn thì đòi hỏi người lao động có kỹ năng tốt hơn.
“Không thể chỉ đào tạo mà không tính đến yêu cầu của người sử dụng lao động”, bà Keiko Inoue nói.
Từ thực trạng hiện nay, đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị phải bảo đảm học sinh được có đủ điều kiện học tập; kết quả học tập của học sinh phải đạt cao hơn. Việt Nam đang đầu tư 5,9% GDP cho giáo dục là khá cao, nhưng phải bảo đảm tính hiệu quả hơn. Giáo viên phải có đủ kỹ năng và động lực để giảng dạy.
Cùng với đó, bảo đảm cho học sinh được thúc đẩy, khuyến khích học tập ngay từ những năm đầu đời. Cần tăng chất lượng quản lý và quản trị trường học. Bảo đảm người học được lựa chọn dịch vụ giáo dục.
Đại diện Ngân hàng thế giới cũng cho rằng, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học thì cần hỗ trợ cho nhóm học sinh dễ bị tổn thương; có đủ nguồn lực để hỗ trợ các em. Cần có cơ chế lương thưởng giáo viên đơn giản hơn, không nên quá phụ thuộc vấn đề thâm niên mà nên theo khối lượng công việc giảng dạy. Với cơ chế học ngày 2 buổi, hiện nay theo cơ chế đóng góp tự nguyện nhưng cần tính tới thu nhập của người dân, vì người giàu sẽ thuận lợi hơn. Phải bảo đảm làm sao người nghèo không bị áp lực về chi phí bán trú. Cần bảo đảm cơ chế hỗ trợ tài chính để làm sao mọi HS-SV đều được học tập tốt nhất, bảo đảm tương lai tươi sáng của các em…
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông: Lo nhất giáo viên “lười” đổi mới
Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về việc các giáo viên “lười”, ngại đổi mới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thành công của việc đổi mới.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, điều kiện để đổi mới GDPT phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên nhưng đội ngũ giáo viên còn nhiều yếu kém: một bộ phận giáo viên ngại chuyển đổi từ cách dạy cũ sang cách dạy mới; giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ nhiều nơi. Trong khi đó cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nếu tổ chức dạy học tự chọn thì rất thiếu phòng học... Tất cả những điều đó theo ông Hùng sẽ gây nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị dừng đào tạo giáo viên tiểu học, THCS hệ cao đẳng sư phạm; Cao đẳng sư phạm chỉ nên đào tạo giáo viên mầm non; Khẩn trương đào tạo giáo viên còn thiếu; Sớm bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, phải có chương trình bồi dưỡng thống nhất; Bồi dưỡng phải đi sâu vào từng loại giáo viên; Bộ GD-ĐT cũng cần có quy định cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, muốn đổi mới GDPT thành công thì phải quy định về sĩ số lớp theo hướng giảm xuống.
Ông Tạ Quang Sum (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng cho rằng đổi mới GDPT thì giáo viên là quan trọng nhưng thực trạng hiện nay là nhiều giáo viên rất ngại thay đổi, sợ đụng chạm lợi ích cá nhân.
“Cho đến hiện nay phương pháp dạy và học trong các nhà trường đã rất lạc hậu, nhưng khó thay đổi vì chưa có những giải pháp khả thi nhằm thay đổi cả một hệ thống tập quán bị nhân danh là truyền thống. Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ tạo ra sức ì ngăn cản đổi mới, vì đích đến của họ chỉ là kết quả các kỳ thi", ông Tạ Quang Sum
Cũng theo ông Sum, thầy cô giáo trong quá trình dạy học hầu như phải và chỉ cần nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa, phải tuân thủ trình tự lên lớp. Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết để vinh thăng nghề dạy học. Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên và học sinh. Việc thay đổi hầu như chỉ dừng ngang ở những quyết định vĩ mô, chưa thấm sâu vào các cơ sở trường học. Cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì.
Tiếp tục kiến nghị lùi thời điểm thực hiện chương trình phổ thông mới
Ông Phạm Văn Hùng kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa đại trà từ năm học 2019-2020 để đủ thời gian chuẩn bị.
“Lộ trình thực hiện phải tính theo trường. Trường nào đủ điều kiện thì triển khai từ năm học 2019-2020, nơi nào chưa đủ thì chậm hơn. Song song đó cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên”, ông Hùng nói.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Có cơ chế lương cho giáo viên để thu hút được người giỏi vào sư phạm.
“Hiện nay, ban soạn thảo chúng tôi đang báo cáo với Ban chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tiến độ đó. Bộ sẽ quyết định thời điểm công khai chương trình bộ môn để lấy ý kiến xã hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, tháng 10 sẽ đưa chương trình bộ môn lên cổng điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của người dân.
Trả lời về việc ban soạn thảo chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới đã chính thức đề nghị lùi thời hạn thực hiện chương trình hay chưa, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết tinh thần của ban soạn thảo là vẫn quyết tâm làm đúng hạn (tức triển khai từ năm học 2018-2019).
“Nhưng với ý kiến của người dân, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đông của Quốc hội, của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý nên lùi thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có ý kiến trình lên Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội. Hiện nay thì Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Về vấn đề thi cử, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được duy trì ít nhất từ nay đến năm 2020.
PHAN THẢO