Chiều 1-10, tại giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội thẳng thắn cho biết, trong nhiều ngày qua, trên cơ sở số liệu quan trắc môi trường cho thấy chất lượng không khí của Hà Nội rất kém, chủ yếu là tình trạng ô nhiễm bụi mịn gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Đại diện UBND TP Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 11 trạm quan trắc không khí được trải rộng khắp thành phố. Qua các số liệu quan trắc và nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy có nhiều yếu tố, nguyên nhân khiến môi trường không khí của Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều ngày qua, gồm: khí thải của các phương tiện giao thông; tình trạng đun than tổ ong và than củi tại hộ dân; chưa kiểm soát được nguồn phế liệu xây dựng và việc phá dỡ các công trình xây dụng; mùi hôi thối từ hệ thoát nước và các trại chăn nuôi gia súc chưa được xử lý; tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành; khói bụi từ các cơ sở sản xuất công nghiệp...
Trước tình trạng chất lượng không khí của Hà Nội ngày càng xấu đi, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết từng bước tình trạng ô nhiễm không khí, như: Lắp đặt trạm quan trắc về môi trường để kịp thời cảnh báo cho người dân; thay đổi thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày từ thủ công sang các phương tiện cơ giới hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý ô nhiễm ao hồ và hệ thống thoát nước; triển khai xây dựng trạm rửa xe tự động ở một số cây xăng trên địa bàn; triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ", vận động người dân không đốt rơm rạ, không sử dụng than tổ ong, than củi với mục tiêu đến hết năm 2020 không còn hộ dân sử dụng than tổ ong, than củi trong sinh hoạt.
Hà Nội cũng triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải thành phố; xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá dỡ các toà nhà bằng công nghệ mới.
Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội khuyến cáo, trong bối cảnh tình hình không khí của Hà Nội ở mức rất ô nhiễm như hiện nay thì những người có sức khỏe nhạy cảm, người già, trẻ em cần hạn chế ra ngoài đường. Với những người bình thường khi ra đường cần đeo khẩu trang đạt chuẩn chống bụi để hạn chế việc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trong khi đó, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết thêm, không khí của Hà Nội rất xấu trong suốt những ngày qua còn do các điều kiện khí tượng của thời tiết giao mùa gây ra khi vào đêm và sáng sớm nhiệt xuống thấp, lớp sương mù rất dày nên các chất gây ô nhiễm trong không khí không thể khuếch tán lên các tầng trên cao được.
Dự kiến phải tới ngày 3-10, chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội mới được cải thiện khi thời tiết có mưa giông.
Cùng ngày, kết quả quan trắc cho thấy các chỉ số về ô nhiễm không khí của Hà Nội lên cao nhất trong khoảng 1 tháng qua. Theo số liệu quan trắc của Tổ chức AirVisual, chỉ số chất lượng không khí AQI vào sáng 1-10 là 212, với nồng độ bụi mịn PM2.5 là hơn 200 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đặc biệt một số khu vực của Hà Nội như ở quận Tây Hồ, Minh Khai có chỉ số AQI vượt mức 300. Trong khi đó, số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội công bố trên Cổng thông tin điện tử của Hà Nội cũng cho thấy chỉ số AQI cũng lên tới 193, trong đó một số khu vực như: Hàng Đậu, Thành Công, Minh Khai, Từ Liêm lên xấp xỉ 200.