Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể sáng 24-6.
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đồng tình cần kiện toàn lực lượng an ninh ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, ĐB chỉ rõ dự thảo còn bất cập khi chưa quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự và số tổ viên. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục quyết định số lượng ở cấp thôn, xã còn rườm rà, cần bổ sung khoản về nguyên tắc, tiêu chí số tổ, số tổ viên, trên cơ sở số hộ dân, thôn tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh trật tự.
Về điều kiện hoạt động, ĐB Đỗ Thị Lan cho rằng dự luật quy định rất nhiều chế độ, chính sách cụ thể, cần rà soát, đánh giá đảm bảo hài hòa, phù hợp, thống nhất với các lực lượng khác ở cơ sở.
“Để thực hiện các điều khoản như dự thảo cần nguồn lực tương đối lớn, và cơ chế tài chính cụ thể hơn mới đảm bảo tính khả thi. Do đó cần đánh giá tác động về nguồn lực thực hiện chính sách một cách đầy đủ và chính xác hơn”, ĐB Đỗ Thị Lan lo lắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và các ĐB. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng mối quan tâm, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn, theo điều 16 dự thảo thì kinh phí hoạt động và trang thiết bị cơ sở vật chất cho lực lượng này chủ yếu do ngân sách địa phương bảo đảm. “Điều này không khả thi với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trong khi nhu cầu về số lượng tổ, thành viên lực lượng tại các thôn, tổ dân phố ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng”, ĐB Trần Văn Tuấn nhận xét.
Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ riêng lực lượng tham gia bảo vệ ở cơ sở hiện nay là hơn 103.000 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ và mỗi tổ ít nhất 3 thành viên thì cả nước có trên 300.000 người, con số này còn cao hơn nữa vì khi cần thiết địa phương có thể tiếp tục tăng số tổ, hoặc lập thêm.
“Căn cứ tình hình thực tiễn, tôi nhận thấy dự thảo Luật còn có những bất cập”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng thẳng thắn bình luận. Do không quy định cụ thể nên rất khó tính tổng biên chế sẽ là bao nhiêu và chế độ chính sách, phụ cấp cho lực lượng này cũng không biết là bao nhiêu. Theo ĐB Phạm Văn Hòa, ước tính chưa đầy đủ, tổng chi bồi dưỡng cho lực lượng này sẽ là 1.000 tỷ đồng mỗi tháng, dù mức phụ cấp rất khiêm tốn.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC |
"Từ những thông tin trên, tôi đề nghị cấp thẩm quyền, Quốc hội cân nhắc có nên thông qua Luật này hay không, nếu tăng chi ngân sách, tăng biên chế và tổ chức bộ máy, tạo ra không công bằng với các đối tượng khác cùng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc", ĐB Phạm Văn Hòa nói.
Trong khi đó, ĐB đề nghị giữ lại lực lượng công an xã bán chuyên trách để cùng với lực lượng công an chính quy thực hiện nhiệm vụ, do lực lượng này am hiểu địa bàn, thậm chí thông thạo ngôn ngữ, chữ viết dân tộc, đáp ứng tốt yêu cầu công tác...
“Tôi đề nghị giữ lại lực lượng này, nâng chế độ phụ cấp, trợ cấp đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Bộ Công an nên quy định biên chế tối đa cho lực lượng công an chính quy cho mỗi xã, ít hơn so với định biên, các vị trí còn lại sẽ do công xã bán chuyên trách thực hiện, như vậy sẽ có lợi cho ngân sách (chế độ cho mỗi công an chính quy cao gấp từ 3-5 lần công an viên bán chuyên trách)”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.