Vì áp lực kinh tế, nhà ở
Mức sống đắt đỏ ở thành phố lớn cộng với những lo lắng về an sinh xã hội, môi trường sống đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các cặp vợ chồng trẻ đang có ý định muốn sinh thêm con. Thậm chí, rất nhiều bà mẹ trẻ ở thành thị mắc kẹt giữa việc làm - nuôi dạy con, nên luôn trì hoãn việc sinh thêm bé thứ hai. Từng là y tá tại một bệnh viện lớn với mức thu nhập ổn định, thế nhưng từ khi sinh con, chị Lê Thị Phương Thảo (36 tuổi, ngụ quận 8) phải ở nhà làm nội trợ để có nhiều thời gian chăm sóc con.
“Nếu tiếp tục công việc thì tôi buộc phải thuê người giữ trẻ, tuy nhiên để thuê được một người mình tin tưởng và an tâm cũng không đơn giản. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định nghỉ việc để tiện chăm sóc con, chờ con lớn chút nữa thì quay trở lại với công việc”, chị Thảo chia sẻ. Hỏi về việc chị có ý định sinh thêm, chị Thảo quả quyết một con là đủ.
Còn vợ chồng chị Trần Thị Hiền (30 tuổi, ngụ quận 3) dù kết hôn đã hơn 2 năm nhưng vợ chồng vẫn chần chừ chưa muốn sinh con. “Hai vợ chồng vào TPHCM lập nghiệp, hiện vẫn phải ở nhà thuê. Dù biết trong nhà có tiếng con trẻ sẽ vui hơn nhưng nếu sinh con mà vướng mắc khó khăn về kinh tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân. Bản thân cũng chứng kiến vài trường hợp như vậy, nên chúng tôi quyết định dành dụm vài năm nữa rồi sinh con. Lúc đó, vợ chồng tôi chắc cũng chỉ sinh một con, chứ không có ý định sinh thêm”, chị Hiền bộc bạch.
Không chỉ những người đã lập gia đình, nhiều bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại TPHCM cho biết cũng rất ngại việc kết hôn và sinh con với lý do muốn thăng tiến trong sự nghiệp, nuôi con quá vất vả. Chị Nguyễn Ly (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ, nếu mình kết hôn thì phải thực sự có một công việc ổn định để có thể nuôi dạy con tốt. Môi trường sống, giáo dục và tinh thần quan trọng hơn việc có con sớm hay nhiều con.
Thực hiện nhiều chính sách khuyến khích
Là một trong số tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước, theo các chuyên gia, tình trạng già hóa dân số ở TPHCM sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, gây suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Tương lai gần, một đứa trẻ ở TPHCM sẽ đối diện với vấn đề cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại - đây là một trong những bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong những năm sắp tới.
Ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, bài toán liên quan đến các vấn đề dân số của TPHCM (trong đó có vấn đề mức sinh thấp) không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Với ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về dân số cho thấy, trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến sinh nhưng hầu như không thành công, tổng tỷ suất sinh của các quốc gia này đều không thể vượt qua mức 1,3 con. Do đó, không thể đưa ra những mốc thời gian để xác định hiệu quả của các giải pháp khuyến sinh. Điều quan trọng nhất, khi các cặp vợ chồng tự do lựa chọn sinh 2 con, họ có đủ sự hỗ trợ từ xã hội để đảm bảo cho việc chăm sóc con cái và phát triển bản thân một cách tốt nhất.
Đối với TPHCM, để giải quyết thực trạng mức sinh thấp, vừa qua, TPHCM cũng đề xuất chính sách để khuyến khích phụ nữ tại TPHCM sinh con. Cụ thể: sẽ miễn giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh con thứ 2; hỗ trợ mua, vay hoặc thuê nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con… “Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số”, ông Phạm Chánh Trung nhấn mạnh.