Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 13-9.
Đánh giá khái quát, Chính phủ cho biết việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị có chuyển biến tích cực.
Theo thống kê của Chính phủ, số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022 (tăng 231 vụ án so với năm 2022). Dù vậy, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng tinh vi, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài....
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Ủy ban Tư pháp ghi nhận nhiều điểm sáng trong công tác này, trong đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương. Điển hình là trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... bị xem xét, xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Tại tỉnh Bạc Liêu, qua công tác xác minh tài sản, thu nhập ngẫu nhiên với 7 trường hợp, cơ quan chức năng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, xử lý kỷ luật 2 trường hợp.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế “không mới và kéo dài qua nhiều năm”, nhưng Chính phủ chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục; bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định là một vi phạm điển hình. Như vụ việc bổ nhiệm người thân thích của Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Sông Chu (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý) vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp…
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Ủy ban Tư pháp ghi nhận việc xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.
Các cơ quan cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm như vụ AIC, Việt Á, Vạn Thịnh Phát, vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN. Thống kê cho thấy, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 45 vụ/82 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự.