Theo đó, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), cho biết kinh phí nói trên được lấy từ nguồn tiết kiệm ngân sách của huyện. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đầu tư kinh phí lắp camera giám sát cho tất cả các trường mầm non với mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, giải quyết tâm lý lo sợ xảy ra bạo lực với con em mình của phụ huynh.
Ngoài ra, thông qua thiết bị giám sát này, Phòng GD-ĐT huyện cũng có thêm kênh thông tin để nắm bắt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở từng đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng có nhiều ý kiến lo ngại “mặt trái” của chiếc camera.
Giáo viên một trường mầm non công lập ở quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết, bậc mầm non có đặc thù riêng trong công tác nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Nếu ở các bậc học lớn hơn, tương tác giữa thầy và trò chủ yếu trên sách vở thì đối với trẻ mầm non, các bé cần nhiều tương tác hơn về mặt giao tiếp, tình cảm.
“Tôi có thói quen nựng má hoặc nhéo nhẹ hai cánh mũi học trò như một cách bày tỏ tình cảm yêu thương với các em. Nhưng thử hình dung có chiếc camera giám sát trong lớp, tôi sẽ không còn thoải mái nựng má hoặc bày tỏ tình cảm với các em”, giáo viên này bày tỏ.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, nếu “nhất cử, nhất động” của cô và trò ở lớp đều chịu sự giám sát và chi phối của phụ huynh, thì vô hình trung sẽ tạo thêm áp lực không đáng có cho giáo viên. Mỗi gia đình có một phương pháp giáo dục con cái khác nhau, nhà trường cũng vậy. Làm sao để dung hòa tất cả phương pháp giáo dục là điều không dễ dàng. Chưa kể, phụ huynh thường có tâm lý lo lắng thái quá trước một số biểu hiện như quấy khóc, bất hợp tác của con.
“Tôi từng gặp tình huống dở khóc dở cười vì chiếc camera. Phụ huynh thấy con khóc, gọi điện chất vấn giáo viên, chưa kịp trả lời đã có thêm cuộc gọi từ phụ huynh khác phàn nàn cô không lo chăm trẻ mà cứ nghe điện thoại”, giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận 3 chia sẻ.
Mặc dù hiểu tâm lý lo lắng của phụ huynh cũng như nỗ lực “minh bạch hóa” môi trường giáo dục của các cơ quan quản lý, nhưng hầu hết giáo viên khi được hỏi đều cho rằng không thoải mái khi làm việc trong lớp học có gắn camera. Một số khác bày tỏ sự thất vọng về sự gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường. Khi niềm tin nhường chỗ cho các thiết bị công nghệ, sẽ đồng nghĩa với sự tôn trọng bị giảm xuống, ảnh hưởng và chi phối rất nhiều các mối quan hệ trong nhà trường.
Vừa qua, tại buổi giám sát giữa Ủy ban MTTQ TPHCM với UBND quận 12 về tình hình quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết dù TP đã có chủ trương gắn camera nhưng hiện địa phương chỉ dừng ở việc khuyến khích, chưa quy định bắt buộc đối với tất cả cơ sở. Nguyên nhân là do việc gắn camera phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh phí, nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh.
Ngoài ra, theo lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận trung tâm của TPHCM, việc trang bị hệ thống camera nếu không được quản lý tốt sẽ vô tình tiếp tay cho tình trạng “cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở mầm non”, từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy.
Hiện nay, TPHCM đã có chủ trương lắp đặt thí điểm camera giám sát tại một số trường mầm non, bước đầu ghi nhận kết quả thực hiện và phản hồi của học sinh, giáo viên, phụ huynh làm cơ sở đánh giá và quyết định có triển khai đại trà hay không. Đây được xem là cách làm thận trọng để đo lường mặt yếu và mạnh của một trong những hình thức quản lý mới của ngành giáo dục. Tuy nhiên về lâu dài, để giải quyết triệt để tình trạng bạo lực học đường, cần kết hợp thêm nhiều biện pháp như tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên, mở rộng các kênh giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa phụ huynh và trường học…