Lo ngại tội phạm, an ninh

“Tình trạng cực đoan hóa và tội phạm trên không gian mạng là những mối đe dọa an ninh đang ngày càng gia tăng đối với Liên minh châu Âu (EU)”, đây là kết luận của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trong báo cáo an ninh mới nhất và công bố ngày 27-7. 
Kể từ đầu năm 2015, châu Âu phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công khủng bố với số lượng ngày càng gia tăng, mà các đối tượng thực hiện hầu hết là những công dân châu Âu bị cực đoan hóa.
Hàng ngàn phần tử cực đoan ở châu Âu, phần lớn là những người mới trưởng thành, đã rời khỏi châu lục này để gia nhập các nhóm cực đoan, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Các quan chức an ninh lo ngại, khi những đối tượng này quay về quê hương sẽ mang theo các vụ tấn công, giống như từng xảy ra ở Paris (Pháp) vào tháng 11-2015.
Lo ngại tội phạm, an ninh ảnh 1 Danh tính những kẻ tấn công khủng bố Paris tháng 11-2015: Salah Abdeslam, Bilal Hadfi, Ahmad Almohamad, Ismail Omar Mostefai, Samy Amimour và Abdelhamid Abaaoud (theo chiều kim đồng hồ từ góc trên bên trái)
Theo EU News, EC cho biết đang cân nhắc thành lập một nhóm chuyên gia cấp cao để nghiên cứu, phân tích và đánh giá các xu thế, nguy cơ cực đoan hóa trong châu lục.
Giữa tháng 3 năm nay, Pháp và Đức cũng đã kêu gọi thành lập trung tâm châu Âu chống lại quá trình cực đoan hóa công dân mà chiến dịch tuyên truyền của IS nhắm tới. Hai bên nhất trí rằng, việc thành lập một trung tâm chống cực đoan hóa sẽ giúp các quốc gia trong châu lục có thể chia sẻ những cách thức hành động tối ưu nhằm đẩy lùi tình trạng đáng báo động này.
Dù việc thành lập một trung tâm như vậy không thể thay thế được việc chủ động chống khủng bố của từng quốc gia, song chắc chắn sẽ bổ trợ cho nhiệm vụ này trên nhiều phương diện như đánh giá hoạt động của các nhóm khủng bố IS và tái định hướng cho những người trẻ bị ảnh hưởng bởi quá trình cực đoan hóa.  
Trong khi đó, mối đe dọa ngày càng tăng về tội phạm mạng cũng khiến EU phải mệt mỏi. Làm sao để tăng cường an ninh mạng; phát hiện, ngăn chặn hoạt động phi pháp của các băng đảng tội phạm có tổ chức, khủng bố... là những thách thức không nhỏ đặt ra trước mắt với các nhà chức trách lục địa già.
Một số giải pháp đã được EC vạch ra như tiếp tục hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các quy định của EU như hoàn thiện hệ thống dữ liệu hành khách (PNR) với thời hạn chót là ngày 25-5-2018 và Công ước Prum về trao đổi dữ liệu ADN, dấu vân tay và đăng ký xe.
Hay trên cơ sở thành công của phương pháp tiếp cận trên không gian mạng trong các lĩnh vực buôn bán ma túy, an ninh vận tải, EC sẽ tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia an ninh, đào tạo nguồn nhân lực cho an ninh mạng, ngăn chặn tuyên truyền tư tưởng khủng bố, cực đoan, cắt đứt nguồn cung tài chính, các hoạt động hỗ trợ cho khủng bố... Ngoài ra, còn cải thiện khả năng tương tác của hệ thống thông tin của EU.
Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos khẳng định, trong môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, châu Âu cần phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng một liên minh an ninh hoạt động thực sự hiệu quả.
“Sự chia rẽ làm chúng ta dễ tổn thương. Đoàn kết, tin tưởng bằng cách tăng cường hợp tác, tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên là cách duy nhất để EU bảo vệ được các giá trị của mình cũng như an ninh và an toàn cho người dân”, ông Avramopoulos nói.

Tin cùng chuyên mục