Dự thảo đưa thêm quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, thanh toán điện tử giao thông…
Bộ trưởng cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là rất cần thiết, được kỳ vọng tạo cơ chế để huy động tối đa nguồn lực, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra, nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển GTĐB.
Đề cập về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo và xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc quy định về hoạt động quảng cáo trong dự thảo luật là cần thiết vì liên quan trực tiếp hoạt động đường bộ. Do đó, đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể về hoạt động này trong dự thảo luật.
Đồng thời, đề nghị Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh nghiên cứu các ý kiến để xây dựng các trung tâm quản lý, trung tâm chỉ huy giao thông, tránh chồng chéo, lãng phí.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, có thể dẫn đến thu trùng các loại phí liên quan đường bộ.
Theo các ý kiến này, dự thảo luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định xử lý thu phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách. Bởi việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, vừa tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vừa khuyến khích phát triển, thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
“Do đó, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu.
Liên quan hoạt động vận tải đường bộ, có những ý kiến trái chiều với quy định của dự thảo luật về sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách hoặc người thuê giao hàng được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, quy định như vậy là không đúng với bản chất kinh doanh.
“Luồng ý kiến này cho rằng, việc sử dụng các công đoạn như quy định trong dự thảo luật để định nghĩa kinh doanh vận tải không thể hiện đúng đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ, không khuyến khích được hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, không phù hợp tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết.
Theo đó, những ý kiến này đề nghị quy định hoạt động nêu trên là dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô. Vì vậy, ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể để có các tiêu chí, điều kiện hoạt động và cơ chế quản lý phù hợp đối với các chủ thể tham gia hoạt động vận tải đường bộ. Từ đó, bảo đảm công bằng giữa các loại hình kinh doanh phù hợp công tác quản lý, tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin.