Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, dự thảo nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp (sẽ thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP) đang được Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo.
So với quy định hiện hành, dự thảo nghị định mới có một số điểm mới theo hướng điều chỉnh một số quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định tại dự thảo nghị định sẽ tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khi thực hiện các thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp.
Góp ý tham luận tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Luật TNHH TC và Cộng sự, kiến nghị làm rõ và quy định bản chất của việc đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) và thông báo thay đổi nội dung của GCNĐKDN.
Theo ông Công, trong quá trình thực hành luật đã nhận được rất nhiều câu hỏi của khách hàng về thời điểm có hiệu lực của các thay đổi nội dung ĐKDN, nhất là các thay đổi về người đại diện theo pháp luật, thay đổi về vốn điều lệ, thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông nước ngoài của công ty cổ phần.
Các câu hỏi thường là việc thay đổi đó có hiệu lực từ thời điểm nào; từ thời điểm có hiệu lực của nghị quyết, quyết định của công ty thông qua việc thay đổi chủ sở hữu, thành viên hay sau đó. Bởi việc làm rõ thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty, nhất là trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch với các ngân hàng và đối tác khác. Những điều này trong dự thảo nghị định mới cần làm rõ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng, nội dung quy định về “bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân” trong dự thảo nghị định mới thay thế chưa có sự thống nhất. Cùng với đó, quy định về việc ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng nhiều điểm không phù hợp với thực tế, gây khó khăn và tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập mới.
Bên cạnh đó, quy định về việc xử lý hồ sơ tiếp nhận trước ngày dự thảo có hiệu lực thi hành cũng chưa hợp lý và có thể tạo ra bất lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp hồ sơ hợp lệ đã được tiếp nhận và có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Thanh Huyền, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, cũng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề có các thủ tục chưa quy định rõ về trình tự, hồ sơ thực hiện dẫn tới cơ quan đăng ký kinh doanh từng địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây lúng túng cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện. Trong khi đó, một số quy định bị chồng chéo, gây lãng phí thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đa số ý kiến góp ý đều chung nhận định, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, dự thảo nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp cần quy định cụ thể, rõ ràng, tường minh hơn, giúp thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, dự thảo nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp từ thủ tục, biểu mẫu thực hiện đến cơ chế liên thông giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính.