Doanh nghiệp tăng nhập nguyên liệu sản xuất
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước tính đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 152,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 8 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Riêng tại TPHCM, ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 cho thấy, cán cân thương mại thâm hụt khá cao. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 24,66 tỷ USD, tăng 6,0% so cùng kỳ. Loại trừ dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,97 tỷ USD, tăng 16,2% (cùng kỳ tăng 12,9%). Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng ước đạt 30,68 tỷ USD, tăng 9,6% so cùng kỳ.
Sự quay trở lại của đà nhập siêu đã thể hiện rõ nét hơn cho đà tăng trưởng xuất khẩu đã bắt đầu chững lại và đi xuống kể từ quý 1-2018. Cụ thể, quý 1-2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được ghi nhận ở mức cao khi đạt đến 22%. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 2 đến nay, đà tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận giảm lần lượt là 19% (tính đến hết tháng 4-2018) và xuống mức 16% (tính đến hết quý 2-2018); gần đây nhất, tính đến hết tháng 7-2018, mức tăng trưởng xuất khẩu xoay quanh mức 15%.
Lý giải thực tế trên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết thêm, sở dĩ đà nhập siêu quay lại và đánh dấu từ tháng 8 bởi đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Dựa trên cơ cấu ngành hàng cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tháng 8 có kim ngạch tăng là: xăng dầu tăng 41,5%; điện thoại và linh kiện 13,9%; hóa chất 13,1%; cao su 8,1%. Ngược lại, những sản phẩm chủ lực nhập khẩu tăng mạnh, tập trung chủ yếu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm như: điện thoại và linh kiện tăng 35,3%; cao su 14,8%; sợi dệt 12,5%; phân bón 11,1%; ô tô 10,3%…
Trên thực tế, điều này không phải đột biến của thị trường mà là nhu cầu thường niên của DN. Cứ đến thời điểm cuối quý 3 và quý 4 hàng năm, DN sẽ tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để chủ động cho kế hoạch sản xuất cuối năm và đầu năm sau, nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá cũng như đảm bảo kế hoạch sản xuất sau kỳ nghỉ tết kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước
Tuy nhiên, ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ít nhiều ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nông sản, thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, nhưng những tháng qua, thị trường giao dịch hàng nông sản rơi vào tình trạng ảm đạm. DN đang lo ngại đàm phán giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng gặp bế tắc, sẽ kéo theo khả năng đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, đồng nghĩa với giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, nên hoạt động kinh doanh cũng trở nên cầm chừng hơn. Mặt khác, sức ép gia tăng thuế mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khiến cho nhiều DN Trung Quốc, nhất là DN quy mô sản xuất vừa và nhỏ phá sản, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ Việt Nam cũng giảm mạnh.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tính đến hết ngày 31-8, tình hình xuất khẩu nông, thủy hải sản Việt Nam không chỉ giảm về sản lượng và giá trị tại thị trường Trung Quốc, mà cả tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Australia - những quốc gia vốn được xem là thị trường xuất khẩu truyền thống, chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2018, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,282 triệu tấn, trị giá 5,526 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng. Riêng tháng 8-2018, lượng thủy sản xuất khẩu đạt 177,7 ngàn tấn, trị giá 800 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu tôm các loại đang gặp nhiều khó khăn nhất.
Mặt khác, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nước ta đang còn phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là Tập đoàn Samsung, nên mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thiếu bền vững. Điều này thể hiện rõ nhất khi Samsung tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện thoại thông minh vào quý 1 thì mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng mạnh. Ngược lại, quý 2 và 3, Samsung giảm xuất khẩu và tập trung nhập khẩu linh kiện, trang thiết bị để sản xuất thì kim ngạch xuất khẩu của nước ta cũng giảm. Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện trung bình cứ 4USD kim ngạch xuất khẩu thì có 1USD là của Samsung.
Ông Phạm Xuân Hồng khẳng định, để giảm nguy cơ nhập siêu, tăng tính ổn định cho kim ngạch xuất khẩu, nhất thiết phải chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Các bộ ngành liên quan ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần tính đến việc thu hút đầu tư ngành sản xuất nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Song song đó, phải có chính sách hỗ trợ hiệu quả để nâng cao năng lực của các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ, đủ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối.