Từ ngày 2-4, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, giá niêm yết lên mức 18.588 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, giá bán lên mức 20.033 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít...
Trước đó, thông tin tăng giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng thêm 8,36% chính thức áp dụng từ ngày 20-3 cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp, tác động đến giá thành sản phẩm.
Theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh, thành phố, mặt hàng điện hay xăng chỉ là một yếu tố tham gia trong quá trình sản xuất. Giá xăng tăng dù có tác động đến doanh nghiệp nhưng không quá nhiều, bởi giá cả một mặt hàng còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu, nhân công, bảo quản, vật chuyển…
Ngành công thương cho rằng, để phát triển ổn định, điều quan trọng là các doanh nghiệp, nhà sản xuất vừa bảo đảm lợi nhuận cho mình vừa có sản phẩm cạnh tranh, giá cả phù hợp, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cũng cần tổ chức năng lực quản trị tốt, trang thiết bị sản xuất hiện đại để giảm bớt tiêu hao năng lượng; tính toán phương án vận tải tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại TPHCM, cho thấy, hiện các mặt hàng chưa có biến động về giá vì hiện tại hàng hóa bán ra đang còn nằm trong các hợp đồng đã ký mua và có hợp đồng vận chuyển trước đó. Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu tăng mạnh hiện nay, dự báo giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.
Theo đại diện siêu thị Co.opmart Bình Dương 1, hệ thống siêu thị Co.opmart đã làm việc với các nhà cung cấp giữ giá bình ổn để bảo đảm giá đến tay người tiêu dùng tốt nhất. Trước tình hình giá xăng dầu tăng như hiện nay, các mặt hàng tại hệ thống siêu thị Co.opmart hiện vẫn chưa có nhiều biến động. Đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với nhà cung cấp bảo đảm giá cả hợp lý nhất.