Lo ngại cảnh đầu tư cắt vá nham nhở ở dự án đường 190 tỷ đồng

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đang giao chủ đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiếu số (CRIEM) khẩn trương báo cáo về các bất cập, tồn tại mà dư luận lo ngại trong quá trình thi công, đầu tư tuyến đường giao thông từ hồ Định Bình đến Trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).

Làm chưa xong đã "bới" lên làm lại

Những ngày qua, một số người dân khi lưu thông qua tuyến đường giao thông từ hồ Định Bình lên Trung tâm xã Vĩnh Sơn, khi đến đoạn qua xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đều bắt gặp hình ảnh các nhà thầu thi công đường đang đào cắt, phá nền đường mới đầu tư để làm lại. Nhiều vị trí, mặt đường bị đào cắt, bới móc bê tông lên hàng loạt trông rất phản cảm và mất an toàn.

z5487483204015_f0dc5bc1fdbb4696cb0d8be508920511.jpg
Đoạn đường bị đào cắt nham nhở để thi công lại (ảnh chụp ngày 27-5)

Nhiều người bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình, bởi dự án đường giao thông này đang được triển khai đầu tư gần xong. “Mặt đường bê tông mới làm xong nhưng người dân đi qua nhìn thấy cảnh đào lên từng hầm hố kéo dài để làm lại. Rất phản cảm! Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng dự án, liệu đưa vào khai thác có đảm bảo”, một cán bộ xã Vĩnh Sơn cho biết.

Dự án đường giao thông từ hồ Bình Định đến trung tâm xã Vĩnh Sơn thuộc dự án CRIEM, dài trên 39,5km với tổng vốn đầu tư 190 tỷ đồng. Theo thiết kế, đường đầu tư xong khai thác vận tốc xe 30km/giờ, bề rộng nền đường 6,5m, bề rộng mặt đường và lề gia cố 5,5m. Dự án bắt đầu từ ngày 15-3-2023 kéo dài đến 15-3-2025. Hiện, giá trị thực hiện dự án đạt 155 tỷ đồng.

z5487483164160_588f32cd4755667c7f668c73b1e542c3.jpg
Nhiều hố đào cắt thủ công nham nhở rất phản cảm (ảnh chụp ngày 27-5)
z5487483348714_637123e1dbea67db7b096202ca81d6c7.jpg
Các nhân công sử dụng công cụ để đào cắt, bới mặt đường lên để làm lại (ảnh chụp ngày 27-5)

Theo quan sát, hầu hết dự án đều hoàn thành đổ bê tông mặt đường cơ bản, êm thuận. Tuy nhiên, tại đoạn đường ngắn xảy ra tình cảnh đường vừa đổ bê tông xong phải đào cắt, xới lên để làm lại với hàng chục hố đào, cắt.

Những ngày qua, tại hiện trường, các phương tiện, thiết bị của Công ty TNHH Xây dựng Thủy Dương và Công ty TNHH Huy Hoàng Thiện đang triển khai thi công, đào cắt mặt đường để làm lại. Những vữa bê tông cũ được đào múc lên vận chuyển, đổ đi nơi khác để thay thế lớp bê tông mới.

Một đại diện Công ty TNHH Xây dựng Thủy Dương xác nhận, đơn vị nhận thi công khối lượng tại gói thầu của Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành.

Lỗi do mưa và xe tải nặng

Chiều 29-5, thông tin với báo chí, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) giải thích, thời điểm thi công tuyến đường vào mùa mưa năm 2023 xảy ra việc chưa đồng bộ hệ thống thoát nước, một số đoạn đường gặp mưa lớn gây tắc hệ thống thoát nước. Kèm theo đó, thời điểm này, lượng xe chở keo tràm người dân chạy nhiều khiến mặt đường bê tông bị ảnh hưởng.

z5487483275117_7f0f5f95e7163ba70c982fecb846cdf2.jpg
Đoạn đường kéo dài mới làm xong đã đào cắt lên xử lý làm lại (ảnh chụp ngày 27-5)

“Lúc đó, mặt đường thi công 1 làn mới chỉ 2,75m, xe tải nặng chở gỗ, chở keo tràm chạy nhiều trong điều kiện chưa thoát nước được nên cứ trầy trật trên mặt bê tông, ép gãy các góc đường. Đến nay, đường làm gần xong thì chúng tôi yêu cầu nhà thầu nên cắt những chỗ hư ra để thảm, đổ bê tông lại”, ông Thi nói.

Nhiều ý kiến lo ngại khi nhìn thấy đường mới đầu tư đã đào cắt lên hàng loạt để làm lại. Ông Tô Tấn Thi cho biết bản chất đoạn này là ảnh hưởng từ thi công mùa mưa năm 2023. Hiện, dự án chưa nghiệm thu, còn 1 năm nữa nên nhà thầu phải cắt ra làm lại, mọi chi phí nhà thầu phải chịu.

z5487483362578_693f70dc037e4810dd1dfd757bd92f34.jpg
Sau khi đào cắt, đơn vị thi công xử lý bê tông cũ để đổ lại bê tông mới (ảnh chụp từ 27-5)

Ngoài ra, theo ông Thi, đơn vị đã có báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về vụ việc. “Chúng tôi ưu tiên khắc phục, sau đó sẽ làm báo cáo bằng văn bản cụ thể với UBND tỉnh”, ông Thi nêu.

Dự án rất ý nghĩa, không nên để "tai tiếng"

Được biết, địa hình miền núi từ hồ Định Bình đi trung tâm xã Vĩnh Sơn có địa chất phức tạp, mùa mưa thường xuyên xảy ra các sự cố sạt lở, chia cắt. Xuất phát từ nguyện vọng của bà con dân tộc miền núi các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), dự án CRIEM được triển khai .

Một lãnh đạo xã Vĩnh Sơn cho biết, dự án có ý nghĩa rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh của xã. Vì vậy, khi dự án sắp đầu tư xong, người dân ở Vĩnh Sơn rất vui mừng. Tuy nhiên, xảy ra cảnh thi công đầu tư nham nhở trên nhiều người dân họ cũng lo ngại...

Tin cùng chuyên mục