Lo ngại an toàn thực phẩm khi heo giết mổ thủ công nhập về chợ đầu mối

Đêm 12 đến rạng sáng 13-8, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình chủ trì buổi khảo sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.

z5726107223369_30ca3e4bedf56630ccde0ad17e849874.jpg
Đoàn công tác ghi nhận thực tế hoạt động tại cơ sở giết mổ công nghiệp tối 12-8

Cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động 50% công suất

Theo ông Lê Anh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, thời gian qua, hoạt động giết mổ công nghiệp chưa hiệu quả. Năm 2023, tổng sản lượng gia công tại nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (do công ty làm chủ đầu tư) chỉ đạt 50% công suất thiết kế, bình quân 2.017 con heo/ngày. 6 tháng đầu năm 2024, công suất chỉ đạt 47%, bình quân giết mổ 1.887 con heo/ngày.

Nguyên nhân, nguồn heo sống được chuyển về giết mổ ở các lò thủ công của tỉnh Long An rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng. Trong khi đó, lượng thịt heo được gia công tại các cơ sở giết mổ công nghiệp của TPHCM (Xuân Thới Thượng, An Hạ, Lộc An) chỉ đạt 2.500 con/5.200 con heo nhập chợ.

Trước thực tế trên, ông Lê Anh Phương kiến nghị thành phố xem xét tạo điều kiện để các nhà máy giết mổ công nghiệp của thành phố giữ khách hàng, ổn định phát triển, góp phần kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm (ATTP); có chính sách ưu tiên cho heo giết mổ tại các nhà máy của thành phố lưu thông vào chợ ở thành phố; hỗ trợ kiểm tra giám sát tình trạng bày bán thịt heo tràn lan không bảo đảm vệ sinh.

Ghi nhận kiến nghị của công ty, đồng chí Cao Thành Bình đặt vấn đề về quy định đối với nguồn heo đưa về nhà máy giết mổ công nghiệp cũng như hiệu quả kiểm soát của vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Theo đại diện Sở NN-PTNT TPHCM, nguồn heo được chăn nuôi tại thành phố tuân thủ các quy định về tiêm phòng, giám sát phòng chống dịch bệnh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, có giấy kiểm định hoặc phiếu chuyển khi vận chuyển. Chương trình đeo vòng truy xuất chủ yếu áp dụng cho heo từ các tỉnh về TPHCM.

z5724969480349_ee0005afa4a5fcba7703c0e686b51647.jpg
Đồng chí Cao Thanh Bình kiểm tra thông tin từ mã vạch trên vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo

Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo hiện nay do Sở ATTP TPHCM phụ trách. Đại diện sở này lý giải, việc đeo vòng truy xuất thịt heo giúp kiểm soát nguồn gốc heo từ trang trại đến cơ sở giết mổ và đến một số chợ, siêu thị tham gia đề án.

Tuy nhiên, đề án khuyến khích chứ không bắt buộc tất cả các trang trại phải đeo vòng cho heo. Trang trại nào muốn tham gia phải có đơn đăng ký về Sở ATTP để được cấp mã số, đăng ký mua vòng. Quá trình vận chuyển luôn có sự kiểm tra của đội thú y ở địa phương, các điểm chốt và ngay tại cơ sở giết mổ.

PGS-TS, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thành viên đoàn công tác đặt câu hỏi, liệu có nguy cơ heo được nuôi ở chỗ khác rồi mang về trang trại đeo vòng truy xuất hay không? Đồng thời, cần làm rõ hiệu quả của việc đeo vòng truy xuất vì chi phí mua vòng không nhỏ và người tiêu dùng đang phải chịu khoản phí này.

Đoàn công tác cũng lo ngại vấn đề ATTP với số lượng heo được chuyển về tỉnh để giết mổ thủ công rồi nhập về chợ đầu mối.

Nóng chuyện buôn bán không an toàn bên ngoài chợ đầu mối

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là một trong 3 chợ đầu mối của TPHCM, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiêu thụ, cung cấp thịt heo và rau quả cho thị trường thành phố và vùng lân cận. Mỗi ngày có khoảng 30.000 người đến chợ.

IMG_9483.JPG
Tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp hồ sơ, giấy tờ theo quy định

Tại buổi khảo sát, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (gọi tắt là chợ đầu mối Hóc Môn) cho biết, vấn đề bức xúc hiện nay là hoạt động không đúng quy định của các điểm buôn bán bên ngoài chợ. Tại đây, người bán không phải kiểm tra sức khỏe, không được tập huấn về ATTP, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, không được lấy mẫu kiểm tra định kỳ, vi phạm quy định về ATGT, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị.

Trong khi đó, tiểu thương bên trong chợ đầu mối Hóc Môn phải tuân thủ rất nhiều quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và ATTP, chịu chi phí lấy mẫu thịt heo kiểm tra vi sinh, kéo theo giá thành cao hơn.

Tuy nhiên, sức mua trong chợ giảm còn bên ngoài lại sầm uất, nguy cơ tiểu thương phải “chân trong, chân ngoài”, thậm chí bỏ chợ đầu mối. “Chúng tôi mong muốn được giải quyết các bất cập để thương nhân yên tâm ở lại đầu tư”, ông Lê Văn Tiển nói.

IMG_9487.JPG
Đoàn công tác khảo sát tại chợ đầu mối Hóc Môn vào rạng sáng ngày 13-8

Kết luận buổi khảo sát, đồng chí Cao Thanh Bình đánh giá cao trách nhiệm của Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn. Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị xác đáng của 2 đơn vị, đề nghị các sở ngành và địa phương phối hợp quyết liệt xử lý các vấn đề tồn tại.

Đồng chí Cao Thanh Bình nhấn mạnh, đối với các điểm kinh doanh bên ngoài chợ đầu mối không đảm bảo quy định và ATTP, cơ quan chức năng và địa phương cần thường xuyên kiểm tra, thường xuyên test lấy mẫu nhằm đảm bảo sự công bằng, tạo hành lang pháp lý.

“Tôi mong muốn địa phương, các sở ngành cùng nghiên cứu các giải pháp, mạnh dạn đề xuất chính sách đặc thù để các chợ đầu mối phát triển tốt nhất. Đảm bảo công tác quản lý ATTP chặt chẽ tại các chợ đầu mối để hình thành vành đai an toàn thực phẩm của TPHCM, nghiên cứu các giải pháp xử lý rào cản kỹ thuật để các chợ hoạt động hiệu quả, minh bạch”, đồng chí Cao Thanh Bình chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục