Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM), nhiều công trình kiến trúc có hàng trăm năm được bảo tồn, duy tu ở nhiều vùng, đô thị đang bị biến dạng, làm méo mó bản sắc văn hóa Việt Nam. Có những khu vực bên cạnh việc bảo tồn công trình lịch sử, có giá trị thì lại có những công trình xây cao, phá vỡ không gian xung quanh. Nếu không có biện pháp quản lý chặt thì “hồn” đô thị sẽ bị mất đi.
Băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc yếu kém là nguyên nhân những bất cập trong thời gian qua nhưng luật lại tập trung chủ yếu vào vấn đề mô hình hoạt động. ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đặt vấn đề: “Vậy chính quyền địa phương có công trình xây dựng mà kiến trúc không đúng luật thì cơ quan nào sẽ xử lý? Quy trình xử lý thế nào, nhất là những công trình văn hóa?”. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cho rằng, quan trọng nhất của quản lý kiến trúc là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó mới là mục tiêu chứ không phải chỉ vấn đề quản lý.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) băn khoăn, dự luật này phải làm sao không chồng chéo với Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng; làm sao vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, kể cả nhân tạo, tự nhiên; vừa phát huy được quyền tự do sáng tạo về mặt kiến trúc. Còn theo ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM), dự luật không thể hiện được nét riêng, mang tính bản sắc, “hồn” đô thị của Việt Nam.
Kiến trúc của Việt Nam vẫn dựa vào những công trình kiến trúc phương Tây, thể hiện rõ nhất ở Hà Nội, TPHCM. Nguyên nhân là do giá trị văn hóa của Việt Nam không được lồng trong ý tưởng kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị. Do đó, cần phải thiết kế lại điều khoản theo cách tiếp cận vấn đề là khu vực nào cần gìn giữ trùng tu, chỗ nào cần phát triển. Vì vậy, vai trò của sở quy hoạch - kiến trúc cần được thiết kế cho phù hợp hơn so với thẩm quyền.