Sáng 6-1, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thuộc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng (Quốc lộ 1A, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan thông báo về việc ngày 5-1, Tổng Công ty 319 đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị giảm giá vé cho các chủ phương tiện quanh khu vực Trạm thu phí Sông Phan.
Cũng theo lãnh đạo Chi nhánh BOT 319 Sông Phan, dự kiến Bộ GTVT sẽ có quyết định giảm giá vé trong tháng 1-2018.
Do vậy, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan báo cáo ngành chức năng tỉnh Bình Thuận để có phương án với nhà đầu tư trong việc tuyên truyền, vận động nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trại Trạm thu phíá Sông Phan.
Về nguyên nhân chủ đầu tư Trạm BOT 319 Sông Phan chủ động xin giảm giá vé là do trong vài ngày qua, đơn vị có nhận được thông tin trong ngày 5-1, các tài xế, chủ phương tiện giao thông có ý định tập trung tại trạm để phản đối việc thu phí quá cao.
Trước đó vào tháng 6-2017, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham gia ý kiến về những bất cập trong việc thu phí sử dụng đường bộ ở các trạm thu phí trên Quốc lộ 1A đi qua tỉnh này. Trong đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét giảm giá thu phí qua trạm thu phí BOT cho ô tô của người dân địa phương.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm trên tuyến Quốc lộ 1 là trạm Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam) và trạm Km1661+600 (huyện Bắc Bình).
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay trên cả nước, xét thấy việc đặt trạm thu phí tại vị trí nào thì nhân dân địa phương có ô tô ở khu vực xung quanh trạm thu phí bị thiệt thòi, bất cập trong việc thu phí.
Như tại Trạm thu phí Sông Phan thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai dài 113,7 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Thuận dài 70 km) và trạm Km1661+600 với chiều dài dự án là 50 km với mức phí 35.000 đồng đối với xe con dưới 10 chỗ ngồi. Tuy nhiên, ô tô của người dân địa phương ở khu vực lân cận trạm thu phí khi lưu thông qua trạm chỉ vài km cũng thu phí bằng mức thu phí cả dự án là bất cập.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương tại khu vực trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tổng hợp báo cáo Bộ GTVT cần có chính sách giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với ô tô có biển số ở địa phương với mức giảm phù hợp với từng vị trí đặt trạm, vì lưu lượng ô tô của địa phương qua trạm không nhiều, nhằm ưu đãi cho địa phương nơi đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.