Hành động này được cho là đề phòng mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với các lực lượng Mỹ tại khu vực này, sau vụ không kích sát hại Qasem Soleimani, một trong những tướng lĩnh hàng đầu của Iran, tại sân bay quốc tế Baghdad.
Siết chặt an ninh trong nước
3.000 binh sĩ tăng viện sẽ gia nhập lực lượng trong tuần này gồm 750 người đã được triển khai tới Kuwait trước đó. Kể từ tháng 5-2019, Mỹ đã triển khai thêm khoảng 14.000 binh sĩ tới Trung Đông. Các cơ quan chức năng Mỹ đã được chuẩn bị và sẵn sàng tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ công dân tại Trung Đông.
Trong khi đó, tuy khẳng định chưa phát hiện thấy mối đe dọa vào lúc này sau vụ không kích tiêu diệt ông Qasem Soleimani, nhưng chính quyền thành phố New York đang chuẩn bị phương án đối phó với những nguy cơ các vụ tấn công. Lực lượng an ninh sẽ tăng sự hiện diện tại hệ thống tàu điện ngầm và các địa điểm du lịch. Bộ An ninh nội địa Mỹ đang phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác của Mỹ cùng nhiều bên liên quan sẵn sàng phản ứng trước bất cứ mối đe dọa nào. Nhiều thành phố khác của Mỹ cũng triển khai các biện pháp tăng cường an ninh. Tại Chicago, an ninh đã được thắt chặt tại sân bay. Trong khi đó, cảnh sát thành phố Los Angeles cũng yêu cầu người dân duy trì theo dõi các diễn biến mới nhất và luôn cập nhật đầy đủ thông tin.
Nhiều nước cũng đã lên tiếng chỉ trích vụ không kích của Mỹ, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq và đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm. Các đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, cũng lo ngại căng thẳng sẽ leo thang. Quân đội Đức đã ngừng công tác huấn luyện cho lực lượng an ninh của chính phủ và người Kurd ở Iraq sau ông Qasem Soleimani bị sát hại.
Hành động chiến tranh
Phản ứng về vụ không kích, Đại sứ Iran tại Liên hiệp quốc Majid Takht Ravanchi miêu tả vụ sát hại một trong những tướng lĩnh hàng đầu của nước này là một hành động chiến tranh chống lại Iran. Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif tuyên bố, Iran sẽ triển khai các biện pháp pháp lý ở cấp quốc tế nhằm buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại Tướng Qasem Soleimani. Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran nhận định đây là sai lầm lớn nhất của Washington tại Tây Á, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ không dễ dàng tránh được hậu quả của sự tính toán sai lầm này.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Tướng Qasem Soleimani bị tiêu diệt khi đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ. Ông Donald Trump cho biết ông không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Iran và khẳng định “chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ tại Iran”.
Nhận định về diễn biến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, giới quan sát còn cho rằng không thể bỏ qua yếu tố Iraq. Đối với Iraq, cuộc không kích của Mỹ giữa thủ đô Baghdad đã khẳng định lại những lo ngại xấu nhất của nhiều người Iraq, rằng đất nước này sẽ trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột giữa Iran và Mỹ. Giới chuyên gia cảnh báo sự việc sẽ đẩy Iraq xuống vực sâu của cuộc xung đột khu vực. Thủ tướng tạm quyền Iraq Abdul Mahdi nêu rõ, cuộc không kích sân bay Baghdad là một “hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền của Iraq, sẽ dẫn tới chiến tranh tại Iraq, trong khu vực và trên thế giới”. Ông Mahdi cũng nhấn mạnh cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện cho sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền của Iraq.
Với việc tiếp tục không kích tại một quốc gia có chủ quyền, Washington có lẽ đang “phớt lờ” những cảnh báo của Baghdad. Nguy cơ vòng xoáy bạo lực bùng phát cũng đang hiện hữu khi ngoài Tehran thì các tổ chức thân Iran trong khu vực như Phong trào Hezbollah của Lebanon cũng đang kêu gọi nhanh chóng “trả thù” cho Tướng Soleimani.