Ngay sau khi Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh đeo khẩu trang khi quay trở lại trường học nhằm phòng chống dịch Covid-19, đại diện các trường đều cho biết khá đồng tình với mục đích khảo sát nhằm xác định nhu cầu của phụ huynh, từ đó có cơ sở đẩy mạnh nguồn cung và tổ chức các hoạt động khi trường học mở cửa trở lại đạt hiệu quả.
Giáo viên chủ nhiệm khối 2 một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết, khi tổ chức lấy ý kiến, hơn 70% phụ huynh trong lớp đồng tình với việc cho học sinh đeo khẩu trang trong lớp học nhưng kèm theo câu hỏi “Nếu học sinh không mua được khẩu trang thì có được nhà trường hỗ trợ?” khiến giáo viên này lúng túng.
Như vậy, lo lắng liên quan đến cái khẩu trang không phải là việc nên hay không nên đeo khi đến trường mà là nhận thức, nhu cầu của người học cũng như khả năng cung cấp, tổ chức của các đơn vị có liên quan.
Ngoài ra, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, đa số trường học hiện nay không có chuyên môn sâu về dịch tễ. Trường hợp phát hiện có ca bệnh trong trường học, hay trong cùng một lớp học có học sinh đeo khẩu trang, có em không đeo, thiết nghĩ trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về các thầy cô giáo. Bởi cũng giống như phụ huynh, thầy cô giáo cũng hồi hộp dõi theo các khuyến cáo của cơ quan y tế, cũng đi lùng sục, thu mua từng hộp khẩu trang chuẩn bị sẵn cho học sinh.
Như chia sẻ mới đây của hiệu trưởng một trường THPT ở quận Bình Thạnh, với số lượng từ 1.000 - 2.000 học sinh/trường học, nhà trường phải vận động thêm phụ huynh cùng chung tay trong việc mua khẩu trang và nước rửa tay cho học sinh.
Vì vậy, để công tác phòng ngừa dịch bệnh đạt hiệu quả, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan y tế hay trường học mà cần sự chung tay, chia sẻ của toàn xã hội. Trong đó, chiếc khẩu trang chỉ là một trong những điều kiện cần trong nỗ lực chung của toàn thành phố đối với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.