Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 10-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận |
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự…
“Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân; kết quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Các ĐB dự họp |
Cùng với đó, chương trình bậc học phổ thông chưa phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được áp dụng còn bất cập, gây khó khăn cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhiều vấn đề về thuốc chữa bệnh, thiết bị vật tư y tế, tháo gỡ được khó khăn bước đầu, song nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn khó khăn.
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hoạt động trên không gian mạng tinh vi, để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
“Cơ sở dữ liệu công dân đã tích hợp nhưng công tác triển khai thực hiện chưa khoa học (thẻ căn cước công dân phải làm lại nhiều lần) gây lãng phí thời gian, công sức, tài chính của nhân dân và ngân sách nhà nước nhưng khi thực hiện dịch vụ, thủ tục hành chính nhất là ở xã, phường, thị trấn vẫn khó khăn, chưa đồng bộ liên thông”, báo cáo nêu rõ.