Ngay trước khi những số liệu thống kê vĩ mô quý 3 và 9 tháng đầu năm được công bố (mức tăng trưởng tương ứng 13,67% và 8,83% so với cùng kỳ năm trước), thì CEBR, một tổ chức có trụ sở ở London, nước Anh, có kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực dự báo và phân tích kinh tế độc lập quốc tế, đã chỉ ra rằng, năm 2036, với GDP 1.579 tỷ USD (tính theo giá hiện tại), Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới.
Tuy thế, khi niềm vui lắng xuống, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là doanh nghiệp (DN) vẫn chưa khỏe và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Tại phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình ra kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tới đây, đại biểu Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thẳng thắn: Nhìn vào bức tranh kinh tế phải nhìn vào DN, vì đó là những chủ thể chính của nền kinh tế. Nếu phân tích các động lực chủ yếu của nền kinh tế, có thể thấy “cỗ xe tứ mã”: DN nhà nước, DN FDI, DN tư nhân và hộ kinh doanh đều có vấn đề và đang yếu trong tương quan chung so sánh với thế giới.
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, DN nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, cơ cấu lại rất chậm. DN FDI chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng đạt được không cao, nhất là chưa kết nối được với DN trong nước và chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Với khối DN tư nhân, DN lớn thì có rất nhiều lỗ hổng về quản trị; DN nhỏ và vừa thì chất lượng thấp và đang bị “lấn át” bởi DN FDI và DN nhà nước. Khu vực phi chính thức là các hộ kinh doanh thì thiếu động lực để lớn lên, trở thành DN.
Chỉ dấu rất đáng quan ngại là năng suất lao động của Việt Nam khá thấp, đứng trong nhóm cuối ASEAN và chuyển biến rất chậm. Thực tế, chỉ tiêu duy nhất trong 15 chỉ tiêu pháp định dự kiến không đạt kế hoạch trong năm 2022 là chỉ tiêu về năng suất lao động xã hội.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, muốn có những đánh giá chính xác hơn về số DN đang hoạt động. Đối với khối DN nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, báo cáo nom cũng “quen quen” trong 10 năm qua, vì suốt khoảng thời gian đó, mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn đều… không đạt. Với khối tư nhân, số DN thành lập mới tăng nhanh với hơn 100.000 DN - gần 10 năm qua, con số này năm nào cũng tăng. Nhưng, thực trạng con số DN giải thể và gặp khó khăn cũng không ít.
Chi phí sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu lớn thu hẹp. Huy động vốn của DN cũng khó khăn do hạn mức tín dụng thu hẹp, lãi vay có xu hướng tăng - trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN triển khai rất chậm, mức lãi suất duy trì như hiện nay được coi là nỗ lực lớn của các ngân hàng. Cũng phải kể thêm là chi phí logistics còn rất cao, cao hơn mức trung bình thế giới hơn 6%, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Rõ ràng, vui vì những thành quả nỗ lực lắm mới đạt được trong khó khăn, nhưng còn rất nhiều việc phải làm để nuôi dưỡng DN, nuôi dưỡng nguồn thu.