Xem nhẹ đánh giá tác động
Ngày 24-11, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Chiều 23-11, tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan, ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã thống nhất cho phép Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc, nhận chìm trở lại 62.000m³ bùn thải xuống biển. Số bùn thải này bao gồm 8,8% bùn và 91,2% cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò… thu được từ hoạt động duy tu, nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017.
Điểm nhận chìm là khu vực biển hòn Bồng Than, xã Tịnh Khê (ngoài bãi biển Mỹ Khê) TP Quảng Ngãi. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 4,97ha, độ sâu lớn nhất âm 24,19m. Các bên đưa ra đề nghị, nếu đã cho phép nhận chìm thì giám sát kỹ, tránh nhà thầu làm gian dối bằng cách không đổ đúng vị trí.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi vẫn tiếp tục giữ quan điểm lo ngại việc nhận chìm bùn sẽ gây tác động xấu cho khu du lịch biển Mỹ Khê, ảnh hưởng đến việc xây dựng đề án trình UNESCO công nhận Lý Sơn, vùng biển Bình Châu và các khu vực lân cận trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Ông Đặng Văn Minh khẳng định, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dựa trên cơ sở kiểm tra, đánh giá của sở, ngành chuyên môn. Cùng với đó, Bộ GTVT đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Nếu sau này xảy ra ô nhiễm môi trường, đơn vị phê duyệt phải chịu trách nhiệm?
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi, cho hay: “Theo quy định, trong phạm vi 6 hải lý trở về, thuộc trách nhiệm UBND tỉnh, ngoài 6 hải lý thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT. Cái này thì đã đổ nhiều lần rồi, cứ định kỳ hai năm lại nạo vét một lần rồi đem ra vị trí đó đổ, cũng không có ảnh hưởng gì đâu”. Khi phóng viên hỏi: “Tại sao, trước đó lại không đánh giá kỹ?”. Ông Hải nói rằng: “Do vừa rồi báo chí quan ngại quá thôi, chứ trước đó đã nhận chìm nhiều lần rồi. Thực ra, UBND tỉnh cũng đã cho phép rồi…”.
PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết: “Ở Quảng Ngãi, do trước đó họ chưa đánh giá, bây giờ khi thấy báo chí quan ngại, họ đã cầu thị nên đã nghe theo để đánh giá lại. Về vấn đề này, hầu như các tỉnh đều xem nhẹ, dư luận lên án thì họ buông ra. Những cái không kiểm soát thì họ cứ thế làm… Cũng không thể đổ cho trách nhiệm quản lý của Bộ TN-MT được vì họ đã phân về cho Chi cục Biển tỉnh Quảng Ngãi rồi. Nếu đúng như vậy, Chi cục Biển mới là đơn vị buông lỏng trách nhiệm”.
Trách nhiệm của Bộ TN-MT ở đâu?
Mới đây Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm trên 400.000 m³ bùn thải nạo vét đổ xuống vùng biển Quy Nhơn. Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 vùng biển Quy Nhơn, chất thải gồm đất bùn, cát... Trước đó, lãnh đạo địa phương này xác nhận với phóng viên Báo SGGP sẽ cho phép các đơn vị thực hiện việc nhận chìm vì đó là bùn, cát nạo vét từ luồng lạch để thông cảng Quy Nhơn, không phải chất thải. Địa phương cho biết thêm, đã nhiều lần tiến hành nạo vét và nhận chìm như thế rồi.
Tuy vậy, còn nhiều ý kiến thắc mắc về việc Bộ GTVT chỉ là cơ quan kiểm soát còn đánh giá tác động thì phải là Cục Hàng hải. Nếu như vậy, dư luận đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của Bộ TN-MT ở đâu?”.
Về câu hỏi này, PGS-TSKH Nguyễn Tác An nhìn nhận: “Nếu để xảy ra sự cố, bên đánh giá tác động không đúng, mà vẫn được cấp phép nhận chìm thì Bộ TN-MT phải chịu trách nhiệm đó. Tuy nó đã được phân cấp cho tỉnh, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì chính họ quản lý về môi trường. Việc đánh giá tác động thì Cục Hàng hải họ thuê ai không quan trọng, nhưng quan trọng là kết quả”.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nếu đưa bất cứ cái gì, kể cả vật chất từ biển vào khu bảo tồn biển hoặc nơi người ta đang nuôi trồng thủy sản, điều đó là cấm tuyệt đối. Cần tìm giải pháp nào đa mục tiêu là tốt nhất. Thực tế, đây không phải là chất thải, mà là bùn phù sa, bùn cát, trầm tích của biển. Nó khác với mình quan niệm là chất thải công nghiệp, sinh hoạt… Việc lấy chất thải từ nạo vét luồng lạch như vậy, Công ước Quốc tế không coi đó là chất thải, mà là tài nguyên từ biển”.
Tuy nhiên, PGS-TSKH Nguyễn Tác An lại có cái nhìn khác: “Nói là tài nguyên chưa hẳn đã đúng vì cái này là vật chất tích lũy. Nếu là tài nguyên thì phải là bùn, cát lắng đọng ở những vùng biển không có hoạt động kinh tế. Còn đây là vùng hoạt động kinh tế, dân cư thải ra và nó đã chìm lắng hàng chục năm nay, tích tụ biết bao nhiêu độc tố ở đó. Nó chỉ trở thành tài nguyên khi chúng ta biết cách xử lý. Ngoài ra, không phải cứ nói tài nguyên là không độc hại, còn tùy thuộc vào mức độ nữa. Nếu nó vượt qua giới hạn tài nguyên thì sẽ trở thành chất thải. Còn ai nói “ở biển trả về cho biển”, đó chỉ là ngộ nhận. Nếu đem đổ làm xáo trộn trầm tích biển hàng trăm năm ngoài khơi, mà không xem xét cẩn trọng, sẽ gây hại rất ghê gớm đến môi trường biển và du lịch về lâu dài”.