
PHAN XIO HUA: Vào thời Pháp thuộc, đúng là trong khán phòng các rạp hát có chia khu riêng biệt để dành cho thượng khách đặt chỗ xem nghệ thuật. Đó là những “lô” (loge) - những ô phòng được thiết kế xây dựng cặp theo hành lang hai bên ngoài sân khấu, chẳng những ở trên lầu mà cả tầng trệt cũng có.
Những “lô” này đều có cửa khép lại và màn che bên trong cửa. Bên trong “lô” bày đôi ghế bành bọc nệm được kê cao trên bục để người xem quan sát rõ cảnh trí, động tác ca diễn của các diễn viên (...).
Khoảng đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, chúng tôi vẫn còn thấy dạng “lô” này tại một số rạp như Majestic Sài Gòn (nhà hàng Maxim hiện nay), Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân bây giờ), Thành Xương (hiện tại không còn, bên cạnh rạp Cầu Quan). Nhà hát thành phố bây giờ cũng duy trì, tái lập dạng khán phòng “lô” này. Tất nhiên giá vé hạng “lô” (billet de loge) đắt hơn vé thường.
NGHÊ DŨ LAN: Trên Tuần san SGGP Thứ Bảy (số 808, ngày 23-9-2006), khi trả lời câu hỏi của một bạn đọc về rạp hát Thầy Năm Tú ở TP Mỹ Tho, chúng tôi đã nhầm lẫn khi viết rằng: “Trên lầu gần hai bên sân khấu chia thành lô (lot) dành cho khách quan trọng”. Lẽ ra, phải chú thích là loge mới đúng. Độc giả Phan Xio Hua (P4, Q3, TPHCM) chẳng những đã giúp chúng tôi sửa sai lại còn giải thích tỉ mỉ như trên (trích thư ngày 4-10-2006). Chúng tôi xin tạ lỗi cùng quý bạn đọc và chân thành tri ân ông Phan Xio Hua. Nhân đây, để “phụ họa” với ông Phan Xio Hua, chúng tôi xin giới thiệu ảnh “lô” dành cho thiếu nhi trong Nhà hát Opera quốc gia tại thủ đô Vienna, nước Áo (chụp 20-2-2004).