Thiếu ý thức phòng ngừa hiểm họa
Sau 12 năm có quy định bắt buộc đội NBH khi đi mô tô, xe máy, sự chấp hành của người dân ở TPHCM là tương đối tốt, đã góp phần hạn chế thiệt hại cho nhiều người rủi ro gặp tai nạn. Nhưng gần đây lại thấy có người đi mô tô, xe máy không đội NBH.
Đó thường là các trường hợp chủ quan khi đi mua sắm gần nhà, cho rằng đi gần thì không rủi ro và cũng hiếm khi gặp phải CSGT, nên không cần phải đội NBH; hoặc đưa con đi học, cho rằng quãng đường đến trường không xa nên không đội NBH; học sinh đi xe máy 50 phân khối hay xe đạp điện thiếu cẩn trọng.
Ngoài ra, có những người chỉ thấy đội NBH là vướng víu, bất tiện nên chỉ đội nón để đối phó, tránh bị CSGT phạt, đi lộ trình nào không có CSGT thì không đội NBH. Nói chung, số người không chịu đội NBH thường là bất cẩn và thiếu ý thức bảo vệ bản thân. Khi đã say xỉn, họ vẫn điều khiển xe, chạy lạng lách, phóng nhanh trong điều kiện đường đông xe, đang chở con nhỏ…
Khi ai đó không tuân thủ quy định đội NBH khi đi mô tô, xe máy thì đó là dấu hiệu thể hiện tính vô nguyên tắc, lâu dần dẫn đến sự xem thường pháp luật; từ lơ là đội NBH dẫn đến lơ là các hành vi khác, vốn được quy định để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Không chỉ vậy, với người lớn đưa đón con đi học, hành vi không đội NBH cho mình và con sẽ gieo cho trẻ thói quen xấu về chấp hành luật giao thông nói riêng và việc tự bảo vệ mình nói chung. Chẳng hạn, lớn lên một chút, khi ai đó nhắc trẻ rằng phải đội NBH khi đi xe đạp điện, trẻ có thể vô tư cho rằng lâu nay đi xe do cha mẹ chở đều không đội NBH cũng đâu có sao.
Sự thiếu nhận thức đó có thể dẫn đến những hành động thiếu an toàn khác, như không chấp hành một số quy định về điều khiển phương tiện, khi trẻ mặc nhiên cho rằng hành vi của mình vốn diễn ra từ lâu, cũng không để lại hậu quả gì. Tức là trẻ đã coi thường sự tự bảo vệ bản thân, đánh mất thói quen cẩn thận.
Tạo thói quen khi tham gia giao thông
Các cảnh báo về hậu quả do không đội NBH khi tham gia giao thông không bao giờ thừa. Khi té xe có thể tác động rất nặng đến phần đầu của người đi mô tô, xe máy nếu không đội NBH hoặc đội NBH kém chất lượng, cài quai không đúng cách.
Gần đây, ngành giáo dục đã đẩy mạnh vận động phụ huynh cho trẻ em đội NBH khi đến trường và từ trường về nhà, bằng nhiều hình thức thiết thực. Đầu năm học, nhiều địa phương, trường học đã tổ chức các đợt tặng NBH cho trẻ vào lớp 1 để thúc đẩy thói quen tốt này ngay những buổi đầu học phổ thông. Ban giám hiệu nhiều trường cũng thường xuyên nhắc nhở và nghiêm túc xếp hạnh kiểm yếu đối với những học sinh bị CSGT phạt vì đi xe phân khối lớn, không đội NBH và gửi thông báo đến trường.
Để người dân chấp hành việc đội NBH, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, đồng thời CSGT cũng không lơ là việc xử phạt các hành vi cố ý không đội NBH khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông. Nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở học sinh chấp hành đội NBH khi được cha mẹ đưa đi học, nhằm tạo thành thói quen tốt sau này khi các em chuyển sang đi xe đạp điện hoặc xe máy.