Theo đó, vào tháng 8-2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (sinh năm 1973), Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975). Bà Thảo chỉ học hết cấp 2 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học và đang học thạc sĩ. Qua thẩm tra, xác minh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xác định nội dung tố cáo là đúng sự thật. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đã thừa nhận tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Ngoài ra, bà Thảo thừa nhận gia đình có 12 anh chị em nhưng trong lý lịch đảng viên khai 11 người, không có tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Khi sự việc bị vỡ lở, bà Thảo thừa nhận “thời điểm xảy ra sự việc bà còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, nông nổi; do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ vì muốn có việc để mưu sinh”, đồng thời bà Thảo đã nộp đơn xin thôi việc. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy xử lý nghiêm vụ việc và Văn phòng Tỉnh ủy đang làm các quy trình khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc; đồng thời rà soát lại quy trình để xử lý đối với những cá nhân, tập thể liên quan.
Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm ở đây là vì sao trong một quá trình dài, từ lúc bà Thảo được tiếp nhận vào làm việc, đi học, kết nạp Đảng, bổ nhiệm… sự dối gian tưởng như rất khôi hài này lại không bị phát hiện? Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, thừa nhận, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, kết nạp Đảng của đơn vị đã có sai sót. Theo đó, việc xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho bà Thảo được gửi theo đường công văn sang tỉnh Lâm Đồng. Cấp ủy ở tỉnh Lâm Đồng xác nhận hồ sơ là đúng, gia đình của bà Thảo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Riêng chồng bà Thảo là đảng viên nên lấy cơ quan đơn vị công tác để xác minh rồi tiến hành kết nạp Đảng. Còn bằng cấp bà Thảo sử dụng bằng của chị gái là bằng thật nên không phát hiện ra được.
Như vậy, rõ ràng quy trình là đúng. Vấn đề là những cá nhân, tổ chức thực hiện quy trình đó đã thiếu trách nhiệm, hoặc phớt lờ trách nhiệm, tiếp tay để bà Thảo thực hiện khai báo dối gian về danh tính, bằng cấp, lý lịch. Bởi lẽ, không khó để phát hiện những bất thường trong lý lịch của bà Thảo, nhất là việc bà này khai thiếu số lượng anh chị em trong gia đình và trắng trợn “mượn” danh tính của chị. Sau khi vụ việc vỡ lở, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nhận trách nhiệm, coi đây là “bài học đắt giá”. Nhưng điều mà dư luận chờ đợi hiện nay là cần phải xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng khâu, từng tổ chức, cá nhân; sai sót đó là do chủ quan, thiếu trách nhiệm hay là cố tình tiếp tay cho bà Thảo. Phải có hình thức xử lý thích đáng những người làm sai.