Mỗi nơi mỗi kiểu
Kết quả khảo sát nhu cầu bồi dưỡng năng lực đối với 208 hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TPHCM và 16 tỉnh, thành lân cận do ThS Phan Tấn Chí, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, thực hiện từ đầu năm 2023 đến nay, cho thấy, dẫn đầu bảng xếp hạng các nhu cầu cần bồi dưỡng đối với hiệu trưởng là hiểu biết về công nghệ giáo dục. Thứ hai là các vấn đề về năng lực an ninh mạng. Đây là vấn đề được nhiều hiệu trưởng quan tâm do liên quan công tác quản trị nhà trường như nguy cơ mất dữ liệu, bị tấn công mạng, an toàn trong quản lý kiểm tra, thi cử của học sinh. Một số nhu cầu khác cũng được người đứng đầu các đơn vị trường học quan tâm như năng lực tìm kiếm giải pháp CĐS, chọn lựa và sử dụng hiệu quả hệ sinh thái giáo dục, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch CĐS… “Nhiều trường hiện nay muốn tận dụng mạng xã hội để tạo ra kết nối giữa các bên liên quan trong trường học nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh nên trở thành điểm yếu trong công tác quản lý”, ThS Phan Tấn Chí cho biết.
Ở góc độ khác, ThS Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ, nhận thức về chuyển đổi số trong lực lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay còn mơ hồ, mỗi nơi có cách hiểu và triển khai khác nhau, còn đánh đồng giữa khái niệm ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục. Thêm vào đó, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển chưa đồng bộ, mới tập trung vào các phần mềm ứng dụng mà chưa chú trọng đầu tư phần cứng khiến hiệu quả các đề án triển khai chưa mang tính bền vững. Hiện nay, phần lớn đội ngũ giáo viên được đào tạo ở thời kỳ trước nên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhân lực CĐS thiếu về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, một trong những lỗ hổng lớn nhất của ngành giáo dục là chưa quy định khung năng lực số cho giáo viên và cán bộ quản lý, công tác đào tạo “máy cái” chưa hiệu quả dẫn đến việc đào tạo “máy con” còn hạn chế.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh
PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) nêu thực tế, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thường than: thi cử hiện nay mệt quá! Bởi, các trường phổ thông đang duy trì thói quen ôn tập kiến thức cho học sinh theo đề cương. Nội dung nào đưa vào đề cương học sinh mới học, phần không có sẽ bị xem nhẹ. Giáo viên thường có tâm lý chờ hướng dẫn phạm vi ra đề thi chi tiết từ phòng và sở, yêu cầu tập trung nội dung kiến thức gì mới triển khai ôn tập cho học sinh. Song trên thực tế, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10) đang thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, giao quyền chủ động cho nhà trường xây dựng chương trình giáo dục phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị. Trường học phải xây dựng ngân hàng đề thi với nhiều dạng câu hỏi, đánh giá toàn diện năng lực học tập của học sinh như tự luận, trắc nghiệm, lựa chọn đáp án, điền khuyết, kết hợp các công cụ đánh giá thường xuyên và định kỳ. Để làm được điều này, giáo viên phải nâng cao năng lực số để quản lý hệ thống, đảm bảo tính bảo mật và an toàn đối với thông tin cá nhân của học sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng nhận định, trong bối cảnh nhân lực công nghệ thông tin trong trường học còn thiếu như hiện nay, nếu không có chính sách đãi ngộ, thu hút đội ngũ thì CĐS khó đạt mục tiêu như kỳ vọng. Tại tỉnh Hậu Giang, từ năm học 2022-2023, chính sách thu hút giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật được áp dụng ở mức 50 triệu đồng/người với giáo viên tuyển dụng mới hoặc chuyển công tác từ các tỉnh, thành lân cận, cam kết dạy học ở Hậu Giang 5 năm trở lên. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hơn 10 giáo viên nhận hỗ trợ, chứng tỏ dù có chính sách nhưng nguồn tuyển còn khó khăn. Do đó, song song với việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đại diện các sở GD-ĐT cho rằng, cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị, chính sách, cơ chế quản lý của các bộ ngành, UBND tỉnh, thành phố để tạo môi trường học tập đa dạng, đáp ứng tối đa yêu cầu chương trình mới.