Không thể phủ nhận kể từ khi nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Orban đã khiến không ít người dân Hungary gạt đi mặc cảm thua kém, lấy lại niềm tự hào dân tộc, tự hào về “bản sắc Hungary”. Theo Washington Post, sự thách thức của Thủ tướng Orban đối với EU khác xa với những gì EU phải đối mặt vào năm 2016, khi nước Anh bỏ phiếu về Brexit. EU cho rằng có thể nghiêm trọng hơn thế - là thách thức gây nguy hại cho đặc tính của liên minh. Bởi, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư nổ ra năm 2015, Thủ Tướng Orban đã là nhân vật nổi bật về chống di dân. Trong thông điệp hàng năm, Thủ Tướng Orban mô tả làn sóng di dân là đám mây u ám trên bầu trời châu Âu, sẽ làm các quốc gia biến mất, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi “cuộc đấu tranh chính trị” để buộc EU thay đổi cơ chế bắt buộc về việc tái định cư cho người tị nạn.
“Orban không muốn rời khỏi EU”, một quan chức cao cấp của Đức nói. “Ông ta thực sự muốn thay đổi EU”. Dù ít hay nhiều, Thủ tướng Orban đã thành công. Không chỉ dừng lại trong phạm vi Hungary, ông Orban đã có những người học theo ở Ba Lan, nhiều người ngưỡng mộ ở Cộng hòa Czech, Áo và cả giới chức chính trị hàng đầu ở Đức. Thay vì trừng phạt Hungary vì đã không hợp tác, Brussels tiếp tục hỗ trợ hàng tỷ EUR. Các chuyên gia nhận định EU chưa tự trang bị cho mình những công cụ thích đáng để đối phó với một nhà lãnh đạo có tính cách lạc lõng như Thủ tướng Orban bởi họ không bao giờ tưởng tượng rằng khi liên minh này lan rộng ra ngoài khu vực Tây Âu sẽ gặp những vấn đề khác biệt như vậy. Những cuộc tấn công không ngừng của ông Orban đối với người tị nạn và người nhập cư đã trở thành một thông điệp chiến thắng ở Hungary.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách và an ninh quốc tế của Đức, chính những tiến triển then chốt trong xã hội của các nước thành viên đã hạn chế rất nhiều khả năng hành động hiện nay của EU. Thời gian gần đây, cách thức ứng phó với vấn đề nhập cư đã trở thành chủ đề gây chính trị hóa, phân cực hóa và huy động dân chúng mạnh mẽ nhất ở nhiều nước EU, khiến chính phủ các nước thành viên có thái độ thù địch với nhau. Những người chỉ trích toàn cầu hóa thuộc nhiều trường phái chính trị khác nhau xuất hiện ở tất cả các nước thành viên và đã tập hợp với nhau thành một phong trào. Ở một số nước, các lực lượng phân biệt chủng tộc, dân tộc chủ nghĩa và độc đoán đã nhận được sự đồng cảm và trở thành các bên tham gia chính trị quan trọng. Phe ủng hộ chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa bảo thủ dân tộc, vốn đang lớn mạnh tại EU, có sự chồng lấn một phần với các xu hướng dân tộc chủ nghĩa, dường như ôn hòa hơn và vì vậy thành công hơn trong các cuộc bầu cử. Tâm lý chống toàn cầu hóa, lập trường chỉ trích đối với thị trường tự do và lời kêu gọi nhà nước có vai trò tích cực hơn trong nền kinh tế đã kết nối tất cả họ với nhau. Tương tự Hungary, ngày càng nhiều chính phủ theo đuổi chính sách dân tộc, muốn giảm ảnh hưởng và sự phụ thuộc bên ngoài cũng như nhấn mạnh bản sắc, sức mạnh và quyền tự quyết của riêng mình.