Lo doanh nghiệp Việt “chết trên sân nhà” vì hàng nước ngoài “đội lốt”

Trong sáng nay 7-11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Vấn đề hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam, thiếu điện… tiếp tục làm "nóng" hội trường.

Vấn đề xuất xứ hàng hoá ngày càng trở nên gay cấn và phức tạp

Liên quan đến vấn đề hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đánh giá: Bộ trưởng trả lời rất đúng về nguy cơ hàng nước ngoài lợi dụng các hiệp định thương mại của Việt Nam để mượn đường đi nước thứ ba. Bộ trưởng cũng đã nêu được sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất mà Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không? Như vậy đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. “Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở", “doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà” là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ phải có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?, ĐB Nguyễn Tiến Sinh chất vấn trước khi kết thúc buổi chất vấn chiều ngày 6-11.
Lo doanh nghiệp Việt “chết trên sân nhà” vì hàng nước ngoài “đội lốt” ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 7-11. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trả lời vấn đề này sáng nay 7-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị định 43 quy định về nhãn hàng hóa đã giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hoá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện hành vi lừa dối người tiêu dùng như vụ Khaisilk và câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong trường hợp Asanzo. Vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc xây dựng văn bản hướng dẫn ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước.

Bộ Công thương xác định đây là việc khó nên đã xin ý kiến các bộ, ngành trong xây dựng thông tư. Sau gần 1 năm, bộ đã hoàn thành dự thảo và tổ chức lấy ý kiến. Qua 2 vòng lấy ý kiến cho thấy, vẫn cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta trong các hoạt động thương mại quốc tế. Bởi vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài có xuất xứ Việt Nam.

Dù đã có thời gian chuẩn bị dài nhưng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương khiến nhiều ĐB không hài lòng.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: Chúng tôi cần Bộ trưởng trả lời khi nào thì xong quy định xuất xứ và nhãn hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nhưng Bộ trưởng chỉ mô tả quy trình để ra thông tư về những khó khăn phức tạp nên vẫn chưa ban hành được.

“Thông tư là quyền của Bộ trưởng, phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của Bộ trưởng. Tôi và cử tri cần Bộ trưởng trả lời khi nào có thông tư này khi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đang tràn lan khá phổ biến. Ai cũng thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gay gắt, vấn đề xuất xứ hàng hoá càng trở nên gay cấn và phức tạp”, ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tranh luận lại: Các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng Việt Nam để vi phạm và điều này dẫn đến hệ lụy là Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân, bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và và áp thuế tự vệ, thiệt hại cho cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Cho rằng việc xây dựng thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là vấn đề phức tạp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi xin ý kiến 2 tháng và có rất nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật đòi hỏi phải có sự cân nhắc.

“Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm chứ không phải là thiếu kiên quyết  hoặc một thái độ vô cảm hay không”, ông Trần Tuấn Anh nói và cho biết, trong cuối năm nay, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của thông tư để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành, có hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Phát triển nguồn điện gặp nhiều khó khăn

Liên quan đến vấn đề điện, trả lời ý kiến các ĐB với tư cách phụ trách ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, điện năng là nhân tố quyết định quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù năm vừa qua còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, Bộ Công thương và các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhà đầu tư đã nỗ lực, cố gắng đầu tư phát triển hệ thống điện, cung ứng đầy đủ điện. Năm 2019, điện năng sản xuất 240 tỷ kWh, tăng trên 10% so với năm 2018. Tuy nhiên, việc phát triển điện năng gặp nhiều khó khăn mà nếu không có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện những năm tới.

Lo doanh nghiệp Việt “chết trên sân nhà” vì hàng nước ngoài “đội lốt” ảnh 3 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cũng theo Phó Thủ tướng, cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi nhanh so với Quy hoạch điện VII. Trong Quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện không thay đổi đáng kể nhưng có sự thay đổi về cơ cấu nên cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch vì nếu không sẽ khó đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Lý giải thêm, Phó Thủ tướng cho biết, việc dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân; đầu tư các nguồn điện than khó khăn do lo ngại về môi trường; nhiều dự án điện chậm tiến độ… đã ảnh hưởng đến cung ứng điện. Hiện có 60 dự án điện đang đầu tư, 35 dự án chậm tiến độ 1-5 năm, thậm chí dài hơn với tổng công suất 39.000 MW. Thực tế này dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 nên Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch để bổ sung nguồn điện tái tạo như: điện mặt trời, điện gió (do không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu, giá xu hướng giảm)… Do đó, chưa đầy 2 năm, ngành điện đã huy động được 4.500 MW điện mặt trời, gần 400 MW điện gió, bù đắp thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu đủ điện cho sinh hoạt của người dân.
Lo doanh nghiệp Việt “chết trên sân nhà” vì hàng nước ngoài “đội lốt” ảnh 4 Để hạn chế nguy cơ thiếu điện trong năm 2019, Thủ tướng Chính đã quyết định điều chỉnh quy hoạch để bổ sung nguồn điện tái tạo như: điện mặt trời, điện gió...
Phó Thủ tướng cũng cho biết, đến năm 2030, nhu cầu đầu tư điện rất lớn, với khoảng 130 tỷ USD, bình quân 12 tỷ USD/năm (trong đó 9 tỷ USD đầu tư nguồn điện, 3 tỷ USD đầu tư lưới điện). Với lượng vốn đầu tư lớn như vậy nên rất khó khăn để có thể huy động và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay, việc đầu tư nguồn điện còn mất cân đối: khu vực phía Nam tiêu thụ điện chiếm 50% nhưng sản xuất chưa đầy 40%; miền Bắc và miền Trung tiêu thụ 50% nhưng sản xuất 60%, do đó, chúng ta phải tiếp tục xây dựng đường dây tải điện Bắc Nam mạch số 3 để điều tiết điện khu vực phía Nam.

Nói thêm về các khó khăn, theo Phó Thủ tướng, việc giải tỏa công suất nguồn điện khó khăn do đầu tư dây tải điện chậm hơn đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ. Đây cũng là hạn chế cần tìm rõ nguyên nhân. Vấn đề tiếp theo là nhu cầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than và khí ngày càng ngày càng lớn. Dự tính đến năm 2025, chúng ta sẽ phải nhập khoảng 31 triệu tấn than, 22 triệu tấn khí hoá lỏng và đến năm 2030 con số tương ứng là 50 triệu tấn và 12,5 triệu tấn.

Để cung ứng điện giai đoạn năm 2021-2030, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch điện VIII (dự kiến năm 2021), trong đó xác định rõ quy mô công suất nguồn từng giai đoạn và cơ cấu nguồn điện, trong đó tăng nguồn điện tái tạo, điện khí; xác định không gian phân bổ điện hợp lý, tranh thủ tiềm năng các địa phương; bố trí nguồn điện phù hợp nhu cầu địa phương, tránh mất cân đối như hiện nay; tập trung đầu tư đường truyền tải an toàn, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí; sớm xác định quy mô nguồn điện khi để bổ sung quy hoạch…

Đề cập cụ thể đến về vấn đề dự án điện khí Bạc Liêu mà nhiều ĐB chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ở dự án này, nhà đầu tư đề nghị đầu tư công suất 3.200MW và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung dự án vào quy hoạch, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương tính toán tổng thể, đảm bảo cơ cấu nguồn trong tổng thể dự án điện khí (vì hiện nay có 8 dự án).

Bộ Công thương đã thực hiện chỉ đạo nhưng mới trình bổ sung 800MW trong tổng công suất 3.200MW nên rất khó trong việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng.

“Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương xem xét kỹ thêm, bổ sung quy hoạch để đầu tư đồng bộ vì cảng phải làm trước. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là ủng hộ dự án, đặc biệt là đầu tư điện khí phía Nam để bù đắp thiếu hụt, giảm vận tải”, Phó Thủ tướng nói.

Dự án điện khí Bạc Liêu làm nóng chất vấn

ĐB NGUYỄN HUY THÁI (Bạc Liêu): Dự án Nhà máy Điện khí Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Đến nay, tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương, dự án vẫn chưa triển khai. Vì sao có việc chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai?

Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Bộ đã 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất vừa gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Bao giờ thì giải quyết? Hiện rất chậm - tới 18 tháng - và các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không?

 Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Bộ cũng mong sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện. Tôi chắc cũng không thể nói được khi nào triển khai vì còn chờ ý kiến Thủ tướng. Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020.

Lo doanh nghiệp Việt “chết trên sân nhà” vì hàng nước ngoài “đội lốt” ảnh 5 ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên họp sáng ngày 7-11. Ảnh: Quochoi
ĐB LÊ THANH VÂN (Cà Mau): Bộ Công thương cho rằng dự án chậm vì vướng Luật Quy hoạch. Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định dự án này không vướng Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kinh tế là cơ quan chủ trì, thẩm tra luật cũng nói tương tự. Như vậy là bộ không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. Đây là dự án kỳ vọng thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được Đảng và Quốc hội rất quan tâm nhưng Bộ Công thương không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này.

Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ rà soát lại.

Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG: Ở dự án này, nhà đầu tư đề nghị đầu tư công suất 3.200MW và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung dự án vào quy hoạch, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương tính toán tổng thể, đảm bảo cơ cấu nguồn trong tổng thể dự án điện khí. Bộ Công thương đã thực hiện chỉ đạo nhưng mới trình bổ sung 800MW nên rất khó trong việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng. Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương xem xét kỹ thêm, bổ sung quy hoạch để đầu tư đồng bộ vì cảng phải làm trước. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là ủng hộ dự án, đặc biệt là đầu tư điện khí phía Nam để bù đắp thiếu hụt, giảm vận tải.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục