Miền đất Hồng Ngự là địa bàn vùng xa, vùng biên giới, nhiều dân nghèo tứ xứ kéo về mưu sinh lập nghiệp. Bếp ăn hoạt động đã phần nào chia sẻ khó khăn cùng bà con lao động nghèo.
Anh Hồ Duy Thọ, thành viên ban điều hành bếp ăn, cho biết: “Lúc đầu cơ sở bếp ăn chỉ có một nền đất của gia đình anh Tài. Cảm kích nghĩa cử tiên phong làm việc thiện của anh, chủ hộ kế cận đã tự nguyện cho bếp ăn mượn 2 nền liền kề trong thời hạn 5 năm. Anh Tài cùng một vài người bạn chí cốt xây cất cơ sở và mua sắm bàn ghế, vật dụng cần thiết để bếp ăn hoạt động. Mỗi ngày bếp ăn phục vụ gần 300 suất cơm trưa, giúp các đối tượng là học sinh, người lao động nghèo ở địa phương”.
Bà con lao động nghèo ăn cơm trưa tại bếp ăn từ thiện Quê Hương
Ban điều hành bếp ăn gồm 7 người. Họ là huynh đệ tâm giao, thường chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và cùng chung niềm vui về hiệu quả hoạt động nhân ái mà cả nhóm cùng tâm đắc gầy dựng.
Nhân lực tham gia ngày càng đông, nguồn quỹ ngày càng nhiều, bếp ăn ngày càng bén lửa. Từ 7 tổ phục vụ ban đầu, nay đã tăng lên 10 tổ, mỗi tổ 7 - 10 người, luân phiên nấu nướng phục vụ mỗi tuần.
Tất cả đều chung một tấm lòng vì người nghèo, không ai đặt vấn đề thù lao. Dù vậy, nhằm duy trì lực lượng phục vụ lâu dài, ổn định, ban điều hành thống nhất hỗ trợ chi phí đi lại cho mỗi tổ trực, dao động 400.000 - 1 triệu đồng/tuần, tùy theo địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Mẫn (60 tuổi, ngụ xã Long Khánh) kể: “Tôi đạp xe mỗi ngày hơn 10 cây số đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi vợ thường xuyên đau bệnh. Trước kia, mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng lo nấu cơm đem theo. Giờ nhờ có bữa cơm từ thiện này, dân phụ hồ như tôi đỡ nhiều lắm. Nhìn đi nhìn lại, bữa nào cũng thấy dân phụ hồ chiếm số đông”.
Bà Trần Thị Manh (68 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh) đi bán vé số cùng đứa cháu nội 14 tuổi đang học lớp 7. Mẹ cháu đi làm thuê tại TPHCM bị tai nạn giao thông qua đời, cha cháu đi bước nữa và hiện làm thuê ở xa. Bà tâm sự: “Trước đây, mỗi sáng hai bà cháu ăn cơm ở quán để đủ sức đi bán tới trưa; chiều mới về sớm nấu cơm chiều. Giờ có cơm trưa từ thiện nên sáng chỉ ăn ít cháo, tiết kiệm được 20.000 đồng mỗi ngày. Tôi sẽ cố gắng lo cho cháu ăn học đến nơi đến chốn”.
Những ngày cuối năm, nhiều thành viên tổ phục vụ bận việc gia đình và công việc làm ăn nhưng họ vẫn choàng gánh nhau duy trì bếp ăn hàng ngày. Mong muốn của họ là mang đến niềm vui cho người nghèo và góp phần làm vơi bớt những lo toan trên bước đường mưu sinh của những phận đời còn đang lắm khó khăn. Anh Tài tâm sự: “Tôi nhận ra làm việc thiện đã mang đến niềm vui thực sự, giúp mình vui sống”.