Nhân dịp này, 4 cá nhân được Tổng Giám đốc NHCSXH vinh danh; 10 cá nhân và 1 tập thể vinh dự nhận Bằng khen của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Cùng với đó có 165 cá nhân và 55 tập thể vinh dự nhận Bằng khen của UBND TPHCM vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TPHCM. |
Dự hội nghị có đồng chí: Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Theo báo cáo, đến nay NHCSXH chi nhánh TPHCM đã và đang triển khai tổng cộng 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ cho vay đạt 7.494 tỷ đồng. Trong 20 năm qua, thông qua NHCSXH chi nhánh TPHCM, nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ vốn cho gần 1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
Qua đó, có gần 276.000 lượt hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 321.000 lao động; trên 117.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới hơn 320.000 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành…
UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hội nghị cũng đã thống nhất đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đạt được các mục tiêu trọng tâm như đến năm 2030 có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Đồng thời phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động của TPHCM nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, nhất trí cao với các mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 được nêu tại hội nghị.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đề nghị, NHCSXH chi nhánh TPHCM khắc phục những khó khăn, tồn tại để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của NHCSXH trong việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Song song đó, cần tập trung huy động nguồn lực, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Thành tựu của tín dụng chính sách xã hội có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của cả nước nói chung và của TPHCM nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xem xét bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, tập trung huy động nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.