Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất mức đóng BHXH không quy định thành số tiền tuyệt đối mà sử dụng mức tham chiếu tính BHXH để thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1,8 triệu đồng từ 1-7 thay thế cho mức lương cơ sở hiện hành. Mức này được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh này thống nhất với thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Về việc thay thế mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp) quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ ngày 1-7, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Do đây là nội dung mới được đặt ra, UBTVQH đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong dự thảo luật, như nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo luật; quy định giao Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quy định căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW để hài hòa với khu vực nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu…
Đây là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, do đó, không còn căn cứ để thực hiện điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu cũng như các chế độ BHXH khác. Đồng thời, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành và sẽ làm tăng phần chi phí ngân sách nhà nước đóng BHXH cho những đối tượng này, khi thực hiện chế độ tiền lương mới cũng sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn giữa lương hưu và giữa người nghỉ trước và sau ngày 1-7-2024.
ĐB cho rằng, cần thiết phải có thời gian và có đánh giá tác động đối với cả lĩnh vực này. Do đó, ĐB đề nghị xem xét thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH; chỉ nên ban hành luật này khi đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng hưởng. “Một đạo luật tốt sẽ tạo ra sự an tâm cho người dân, người lao động, ổn định chỉ số giá tiêu dùng, tăng cường kinh tế, an toàn tuyệt đối và tăng trưởng của các quỹ BHXH trong dài hạn và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ”, ĐB Trần Khánh Thu nêu.
Cũng theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), hiện tại, chế độ tiền lương mới được xây dựng dựa trên cơ sở vị trí việc làm chưa được ban hành. Dự thảo luật mới lần này bổ sung mức tham chiếu thay cho tiền lương cơ sở, là mức tiền lương do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH. Tuy nhiên, để tính mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán. Mức tham chiếu là chỉ sự thay đổi, sẽ khó áp dụng hay xác định dự toán kế hoạch về BHXH trung hạn. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chưa làm rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu, việc xây dựng mức tham chiếu được thực hiện như thế nào.
Theo ĐB Quỳnh Thơ, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm để tính mức hưởng BHXH là vấn đề quan trọng được các đối tượng tham gia quan tâm trước tiên. Một khi cơ sở tính toán chưa được triển khai thì BHXH liệu có khả thi. Vì vậy, ĐB đề nghị cần cân nhắc lại việc Luật BHXH được thông qua trước bảng lương do Nhà nước ban hành.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng quan tâm đến tác động của cải cách tiền lương với Luật BHXH, vì hầu hết các quy định trong dự thảo luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách tiền lương, do đây là căn cứ để thu, chi và thực hiện chế độ BHXH. ĐB Hoa Ry cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, nên việc thay đổi chính sách này không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương. “Không thể cứ cho rằng việc giữ nguyên quy định ở Luật BHXH năm 2014 và chuyển sang dự thảo mới thì không có tác động, vì tiền lương đã có sự thay đổi căn bản từ 1-7 và không rõ mức tham chiếu sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào. Mặt khác, sẽ còn phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7-2024”, ĐB phát biểu.
Theo ĐB Hoa Ry, chính sách BHXH còn là sự chia sẻ giữa các thế hệ, không chỉ là nguyên tắc đóng, hưởng của mỗi cá nhân. Do đó, người đang làm việc BHXH hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu và sự chia sẻ giữa các thế hệ cần phải được quan tâm trong quá trình cải cách tiền lương, mục đích để cho người làm việc và người nghỉ hưu không có khoảng cách quá xa về tiền lương hưu cũng như thu nhập. Chính vì vậy, ĐB kiến nghị vấn đề này cần phải có đánh giá tác động và nghiên cứu thấu đáo, ĐB đồng tình với một số ý kiến là nên thông qua luật này sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.