Thảm họa y tế
Anh là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 53.000 ca mắc mới và 613 ca tử vong.
Theo Telegraph, Chính phủ Anh đã tái kích hoạt các bệnh viện dã chiến được xây dựng từ đầu mùa dịch Covid-19, đồng thời quyết định đóng cửa toàn bộ trường tiểu học ở thủ đô London nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan. Trong bối cảnh thủ đô London hiện là một trong những khu vực bị tác động mạnh nhất của biến thể virus mới, vốn có khả năng lây lan nhanh hơn 70%, Chính phủ Anh đã đóng cửa tất cả trường tiểu học tại đây.
Quyết định mở cửa lại của bệnh viện dã chiến được đưa ra chỉ vài ngày sau khi bệnh viện Royal London thông báo rơi vào tình trạng “thảm họa về y tế” và không thể cung cấp các dịch vụ điều trị tích cực ở mức tiêu chuẩn cao.
Theo thống kê của Sky News, các khu điều trị tích cực của 3 bệnh viện ở London đã kín giường trong ngày đầu năm mới 2021, khiến bệnh nhân phải chuyển đến các bệnh viện khác. Trong khi đó, Trường Y tá Hoàng gia Anh cảnh báo, nước này không có đủ y tá phục vụ tại các cơ sở mới, khi rất nhiều y tá đã mắc virus và buộc phải cách ly.
Tại Pháp, kể từ ngày 2-1, Chính phủ Pháp kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm thêm 2 giờ, áp dụng ở 15/101 tỉnh, bắt đầu từ lúc 18 giờ hàng ngày, thay vì 20g như quy định trước đây. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết dịch Covid-19 vẫn đang lây lan ở Pháp với mức độ khác nhau giữa các tỉnh. Các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ không được phép mở lại từ ngày 7-1 như kế hoạch ban đầu.
Đẩy mạnh sản xuất vaccine
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang làm việc với đối tác Pfizer của Mỹ để đẩy mạnh việc sản xuất vaccine phòng dịch. Theo nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) BioNTech, ông Ugur Sahin, hiện tình hình cung vaccine không được dồi dào bởi có những khoảng trống nhất định, vì chưa có vaccine nào khác được đăng ký lưu hành. Đó là lý do BioNTech và Pfizer đang nghiên cứu khả năng đẩy mạnh thêm năng lực sản xuất và câu trả lời cụ thể sẽ được đưa ra vào cuối tháng 1 này.
Cả 2 công ty nói trên đang có kế hoạch cho phép các tình nguyện viên từng được tiêm giả dược, trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine của hãng, được chọn tiêm liều vaccine đầu tiên trước ngày 1-3. Những người này vẫn tiếp tục tham gia quá trình thử nghiệm vaccine.
Theo đó, toàn bộ tình nguyện viên từ 16 tuổi trở lên sẽ được biết mình có thuộc đối tượng tiêm giả dược hay không, sau đó được chọn có chuyển sang nhóm đối tượng tiêm vaccine thử nghiệm hay không.
Trong thời gian tham gia nghiên cứu, các tình nguyện viên đã từng được tiêm giả dược sẽ được quyền tiêm 2 liều vaccine thử nghiệm nếu họ muốn. Các bác sĩ nghiên cứu sẽ làm theo chỉ dẫn mới nhất của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và cơ quan y tế địa phương về các đối tượng ưu tiên tiêm phòng.
Tuy nhiên, FDA và một ủy ban cố vấn độc lập bày tỏ lo ngại về kế hoạch này, cho rằng có thể gây khó khăn khi tiếp tục thu thập dữ liệu về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine để được phê chuẩn sử dụng đầy đủ.
Liên quan đến vaccine, Chính phủ Israel ngày 1-1 thông báo đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho gần 1 triệu người, tức hơn 10% tổng dân số 9,2 triệu người của nước này. Như vậy, Israel là nước đầu tiên tiêm chủng cho 10% dân số.
Chuyên gia Ai Cập cho biết tại nước này đang xuất hiện 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau. Theo Trưởng khoa Lồng ngực của Bệnh viện Qasr al-Ainy, ông Ayman al-Sayed Salem, sốt không còn là triệu chứng cơ bản nhất của người mắc Covid-19, thay vào đó là hiện tượng mệt mỏi và suy nhược cơ thể cùng với các triệu chứng về hô hấp. |