* Luật sư NGUYỄN CHÍ HẠNH, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Hạnh (Đoàn Luật sư TPHCM): Từ một công cụ, phương tiện giao tiếp văn minh, thời gian gần đây không ít người đã sử dụng livestream trên mạng xã hội để chửi bới, làm nhục, thóa mạ nhau. Đây là hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục. Để xử lý hành vi này, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngăn ngừa, xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với biện pháp hành chính, những người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân thì bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Những người livestream xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác tùy vào mức độ của hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác”.
Điều 155 (Bộ luật Hình sự 2017) quy định “Tội làm nhục người khác” như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội… bị xem xét phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội trong trường hợp làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.