Ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thông tin, Việt Nam sở hữu mạng lưới rộng lớn với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 75% thị phần và phục vụ 85% nhu cầu tiêu dùng. Kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi chiếm 20% doanh số, với mức tăng trưởng ổn định 10% mỗi năm. Kênh bán hàng online, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, đang bùng nổ với mức tăng trưởng 35-45%, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688, Taobao… làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện một số phiên livestream bán hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng rất đáng quan tâm.
Theo ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, người dùng đang dành nhiều giờ online hơn, vì vậy ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này. Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024.
Đáng chú ý, ngân sách quảng cáo chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngoại, với số tiền “khủng”, cách tiếp cận chủ động và áp đảo thị trường trực tuyến trong nước, đồng thời có hiện tượng chuyển doanh thu qua biên giới. Với khối lượng sản xuất khổng lồ các nội dung hàng ngày, hàng giờ, lĩnh vực quảng cáo đang chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm.
Chính vì vậy, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian lận hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng nhiều hơn, rất khó kiểm soát. Một số hình thức quảng cáo lợi dụng tâm lý người tiêu dùng để lừa đảo, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi giả, trò chơi may mắn, bán hàng giá hời…. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng với các kênh thương mại điện tử…