Livestream bán sách: Cơ hội để bạn trẻ thử sức

Rất nhiều đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như Thái Hà Books, NXB Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam, First News… đã tham gia livestream bán sách. Đây cũng chính là cơ hội để nhiều bạn trẻ thử sức, vừa có thêm thu nhập, vừa để phát triển bản thân.

Với nhiều bạn trẻ, livestream ngành sách không mang lại thu nhập cao nhưng có cơ hội phát triển bản thân
Với nhiều bạn trẻ, livestream ngành sách không mang lại thu nhập cao nhưng có cơ hội phát triển bản thân

Niềm vui kép

Bắt đầu thực hiện livestream bán sách từ tháng 6, mặc dù doanh thu hiện tại đang khiêm tốn nhưng First News vẫn thực hiện các phiên live đều đặn mỗi ngày. Bởi theo anh Vũ Phương, Giám đốc điều hành của First News, vì livestream trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành xu hướng hiện nay, giúp bạn đọc tiếp cận với những đầu sách mới cũng như sách thật. “Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm nội dung về cuốn sách mà mình quan tâm trước khi ra quyết định mua sách. Ngoài ra, mỗi phiên live, chúng tôi sẽ mang đến những ưu đãi nhất định như một sự tri ân đến độc giả”, anh Vũ Phương cho biết.

Cùng với First News, gần đây, một số đơn vị xuất bản như Lionbooks, NXB Phụ nữ Việt Nam, Thái Hà Books… cũng đang thử sức với việc livestream bán sách qua nền tảng TikTok hay qua kênh thương mại điện tử Shopee.

Từ hơn một năm trước, khi một số đơn vị xuất bản tiên phong livestream thì Bảo Ngân (30 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) đã tham gia vào công việc này với vai trò là cộng tác viên. Vì đã có kinh nghiệm nên hầu như ngày nào Bảo Ngân cũng livestream, mỗi tuần có thể live 15-20 phiên. “Một phiên live ít nhất là 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rưỡi, tùy vào ngày thường hay ngày sale. Ngày cố định tôi sẽ có 2 phiên live trên Shopee và TikTok, còn những ngày sale của sàn, hay vào thứ 5 hàng tuần là ngày Shopee trợ giá riêng cho ngành sách thì tôi sẽ live tăng cường”, Bảo Ngân cho biết.

Theo chia sẻ của Bảo Ngân, vì cô thực hiện livestream toàn thời gian nên thu nhập tương đối ổn. Với những bạn cộng tác viên, một phiên live ngày thường dao động 2 tiếng tầm khoảng 400.000 đồng, riêng ngày sale có thể lên đến 500.000 đồng. “Trong thời đại công nghệ số mà mọi người tập trung giải trí qua điện thoại, qua game, các video ngắn, công việc livestream giống như chiếc cầu nối, đưa độc giả đến với sách, lan tỏa niềm yêu thích về sách. Đây là công việc mang đến niềm vui kép, vừa có thêm thu nhập vừa được giới thiệu sách đến các bạn trẻ”, Bảo Ngân chia sẻ.

Một công đôi việc

Thái Thái (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM) là cộng tác viên livestream của First News từ khoảng 2 tháng nay. Mỗi tuần, Thái có 2 buổi livestream trên TikTok: từ 18-20 giờ hoặc từ 20-22 giờ. Thù lao cho mỗi tiếng livestream là 200.000 đồng. Theo Thái, mức thù lao này không phải cao, nhưng bù lại thời gian làm việc thoải mái, không ảnh hưởng đến công việc chính.

X6a.jpg
Một buổi livestream bán sách của Phương Nam Book

“Với tôi, đây là công việc phù hợp và thú vị khi được giao lưu, trò chuyện với mọi người. Bởi tôi là người khá hoạt ngôn, việc livestream mảng sách sẽ học được cách phản ứng nhanh nhạy trong giao tiếp với mọi người. Vì sau này tôi cũng muốn làm MC nên công việc này cũng giống như việc mình đang cọ xát với nhiều người trong phần hoạt náo”, Thái Thái cho biết.

Theo Bảo Ngân, ngành sách có đặc thù hơn so với các ngành khác, đòi hỏi mình phải có sự đầu tư, nghiên cứu sản phẩm. Đặc biệt, lượng thông tin và kiến thức của sách rất rộng. Đây chính là cái lợi khi làm công việc livestream bán sách, vì qua công việc có thể học hỏi, thu nạp kiến thức cho mình. “Khi một bạn đã livestream giỏi trong ngành sách, không chỉ giàu có hơn về kiến thức, mà khi chuyển sang livestream ngành khác cũng sẽ rất đơn giản”, Bảo Ngân khẳng định.

Mặc dù các đơn vị xuất bản không đặt ra định mức doanh thu cho các phiên livestream, tuy vậy theo một số bạn trẻ, đây cũng là một áp lực không nhỏ, bởi dù sao livestream vẫn nằm trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị. Sau mỗi phiên live, người ta sẽ nhìn vào kết quả xem có hiệu quả hay không. Việc hai bên có tiếp tục cộng tác hay không phụ thuộc phần lớn vào những con số đó!

“Ngoài ra còn có một áp lực khác, đó là khi phát sinh những tình huống mà mình không lường trước. Livestream là phát trực tiếp, nên sẽ có những sự cố bất ngờ bắt buộc mình phải xử lý tình huống đó nhanh và an toàn. Hay như khi nhà bán hàng khủng hoảng truyền thông, người live là người đầu tiên phải đối mặt với điều đó”, một bạn trẻ giấu tên cho biết.

“Một yếu tố cũng vô cùng quan trọng khi tham gia công việc livestream đó là sức khỏe. Công việc này có thời gian không cố định và tần suất khi làm việc livestream sẽ rất lớn, nên đã xác định theo nghề thì cần chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt để có thể chịu được áp lực của công việc, cũng như thời gian làm việc”, Bảo Ngân chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục