“Hái ra tiền”
Hoạt động livestream bán hàng đầu tiên ở Việt Nam là vào năm 2016, dựa trên tính năng “live” của Facebook, YouTube đã nhanh chóng nhận được thành công bất ngờ. Các sàn thương mại điện tử nối tiếp nhập cuộc với Shopee, Lazada, Sendo, Tiki. Đến năm 2022, khi TikTok Shop xuất hiện đã tạo nên cơn địa chấn trong giới bán hàng online. Giờ đây, người dùng có thể vừa tương tác, chốt đơn, thanh toán, giao nhận; toàn bộ hoạt động diễn ra trên ứng dụng này mà không cần nhiều thao tác.
Có thể điểm qua những cái tên khủng trong làng livestream bán hàng hiện nay, như “chiến thần chốt đơn” Hà Linh - ngay phiên bán hàng đầu tiên trên TikTok ngày 15-3-2023 đã thu hút 80.000 lượt xem trực tuyến ở thời điểm cao nhất, lượng chốt đơn ước khoảng 20 tỷ đồng; Phạm Thoại, Hằng du mục, Quyền Leo Daily, Pew Pew… cũng là những cái tên khủng trong làng livestream. Kênh Quyền Leo hồi đầu tháng 5 lập kỷ lục khi thu về hơn 100 tỷ đồng sau 17 tiếng livestream liên tục, phá kỷ lục của chính mình hồi tháng 3 (hơn 72 tỷ đồng).
Không chỉ những người kinh doanh nhỏ và vừa, mà các thương hiệu lớn cũng tham gia làng livestream. Cuối năm 2023, chợ Bến Thành mời những người nổi tiếng tới livestream cùng tiểu thương, trong 5 ngày đã chốt hơn 18.200 đơn hàng. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream từ hơn 50.000 nhà bán.
Tuy nhiên, quản lý thuế trong lĩnh vực này vẫn là bài toán không đơn giản. Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân livestream được trả hoa hồng thì tính thuế thu nhập cá nhân với thuế suất từ 5%-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh thì họ phải kê khai nộp thuế 7%, trong đó 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Thời gian qua, ngành thuế rà soát, kiểm tra các cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream bán hàng, đối chiếu dữ liệu doanh thu chi trả của các tổ chức cho các cá nhân thực hiện quảng cáo, bán sản phẩm hàng hóa trên livestream. Bộ Tài chính cho biết, tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 543 doanh nghiệp và 21.616 cá nhân với số thuế tăng thêm 2,9 ngàn tỷ đồng.
Để tránh thất thu thuế, cơ quan thuế quản lý theo bản đồ số hộ kinh doanh. Với các nền tảng xuyên biên giới, từ tháng 3-2022, Tổng cục Thuế khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để họ chủ động đăng ký, kê khai, nộp thuế. Đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, nộp thuế trực tiếp qua cổng hơn 4.000 tỷ đồng. Tương tự, từ tháng 12-2022, Cổng thông tin thương mại điện tử cũng được kích hoạt để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ưu tiên tự giác nộp thuế?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng, cơ quan thuế đã nhận diện, xác định vấn đề trong quản lý hoạt động bán hàng livestream nhưng với một hình thái mới thì công tác quản lý cũng phải có những bước đi nhất định. Quan điểm là ngành thuế hỗ trợ người dân đến cơ quan thuế kê khai, đăng ký kịp thời, nếu không chấp hành sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bước đầu một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế lên đến hàng tỷ đồng. Đối với các trường hợp không tự giác, cơ quan thuế phối hợp ngân hàng để xác định dòng tiền, thu nhập và mời người nộp thuế lên làm việc trực tiếp, để hướng dẫn kê khai, nộp thuế và xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, hiện ngành thuế cùng các bộ Công thương, TT-TT, Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp để chia sẻ dữ liệu quản lý. Cụ thể, Bộ Công thương cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trên sàn, không chỉ là người trực tiếp livestream mà có cả nhà cung cấp. Bộ TT-TT cung cấp đường dẫn (link) livestream. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, không phải cứ livestream xong là xác định được ngay doanh thu, mà phải giao hàng thành công mới tính là doanh thu. Thời gian qua, các bên đã chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực này.
Tại TPHCM, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình cho biết, nâng cao năng lực quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế thành phố trong năm 2024. Trong đó, ngành thuế sẽ tập trung triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ…