Và cái đêm hội ngộ thực sự xúc động và làm bùng nổ mọi cảm xúc. Cái cảm giác của tám năm về trước cứ không thôi ám ảnh tôi, trong những hành trình rong ruổi năm châu tác nghiệp.
Và ngay thời điểm này, khi bản thân có gần một năm học tập tại xứ cờ hoa, cái cảm xúc của đêm hội ngộ đó vẫn vô hình dẫn lối đưa bước chân tôi tìm về với cộng đồng Việt, để được líu lo âm sắc Việt. Tôi không còn trẻ, và nghề nghiệp thiên về ngôn ngữ tiếng Việt, nên để phát huy hết sở trường của mình, thì một môi trường có đông đảo người Việt chính là nơi để tôi được là chính mình - dù trên xứ lạ cách quê hương hơn nửa vòng trái đất. Bởi vậy ngoài giờ lên lớp toàn tiếng Anh với nhiều từ ngữ chuyên ngành khó nuốt trôi, nếu không trúng mùa thi hay phải giải quyết đống bài tập về nhà nhiều không xuể, thì niềm vui của tôi là được hòa mình vào các nhóm bạn Việt Nam của mình tại chỗ tôi cư ngụ.
Mà thực ra thì không phải riêng tôi, các bạn tôi đủ mọi lứa tuổi và làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, kỹ sư có, chủ tiệm nail có, chủ trung tâm thương mại cũng vậy và nhóm ca sĩ hát chung cũng thế - tất cả chỉ muốn hội ngộ sau một ngày làm việc mệt mỏi để thao thao những câu chuyện tếu táo, những kỷ niệm ngày xưa ở quê hương, về những dự định tương lai - tất cả đều bằng ngôn ngữ Việt đủ độ sâu và rộng, để từ đó thấu hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Còn về việc nuôi dạy các con trẻ làm sao đọc và nói được tiếng Việt, cũng là một vấn đề không hề đơn giản ở nước ngoài nói chung và ở Mỹ nói riêng. Điều đó thậm chí còn khó gấp vạn lần so với con trẻ ở quê nhà theo học tiếng Anh. Ngoài việc mở các băng đĩa nhạc thiếu nhi bằng tiếng Việt cho các bé hát theo để nhớ mặt chữ và cách phát âm, hoặc cho các em đi nghe các chương trình ca nhạc có các ca sĩ Việt Nam trình diễn, thì cách hay nhất của phụ huynh nếu muốn con em mình không quên tiếng Việt chính là các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nhà thờ và chùa.
Xác định được người Việt phải hiểu và nói được tiếng Việt, hiểu được bản sắc dân tộc, nên những nơi này đều dành nhiều thời gian cuối tuần để mở các lớp học tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi. Nhiều người thắc mắc là cứ về nhà bắt các con nói tiếng Việt cùng ông bà và cha mẹ. Nói dễ nhưng làm thực sự không dễ chút nào. Thử nghĩ các cháu một ngày trung bình 6-8 tiếng trên lớp chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, bạn bè là dân bản địa hoặc người nhập cư, một môi trường như vậy làm sao các cháu nhớ hết được bập bẹ vài từ tiếng Việt được chỉ dạy tại nhà. Mà ngay cả phụ huynh sau một ngày xoay vần cuộc sống mưu sinh hối hả cũng chẳng còn nhiều sức để uốn nắn các em. Vậy nên các trung tâm sinh hoạt cộng đồng người Việt, nhà thờ và chùa có đội ngũ giáo viên có kỹ năng sư phạm là cách tốt nhất để mẹ cha giáo dục con cái không quên tiếng Việt.
Cuối bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ khi có dịp ngồi ăn tối cùng ba đứa con gái của chị Nhung Nguyễn bạn tôi. Trong bữa ăn đó, các cháu trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh theo thói quen, nhưng khi nói với mẹ thì dùng tiếng Việt. Tuy vậy, có những câu chữ dùng ngữ pháp ngô nghê khiến tôi không kìm được sự buồn cười. Ấy vậy mà chị Nhung vẫn hiểu rõ và cũng không hề giấu sự mãn nguyện của mình khi nghe các con mình líu lo âm sắc Việt chưa tròn trịa. Chị Nhung có nhắc điều mà bấy lâu nay, ở quê hương tưởng giản đơn như hơi thở nhưng là điều trăn trở của các bậc làm cha mẹ ở nơi đây: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Thực sự tôi nể chị và thầm vui vì những điều mà chị Nhung hay hầu hết các gia đình người Việt chúng ta tại xứ cờ hoa hướng đến, đó là thông qua tiếng Việt để các con trẻ lớn lên không quên nguồn cội, tìm kiếm được sự hào hoa của nền văn hiến bốn ngàn năm lịch sử quê hương hình chữ S xa xôi nhưng thật gần. Tôi thầm cảm ơn chị và tin rằng, mong ước của chị với các con mình sẽ sớm hoàn thiện. Luôn tin như thế !!!