Ngày 20-4, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins Việt Nam, Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức ngày hội nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ “Unreal – hàng giả, hàng thật”.
Ngày hội có sự tham gia của các luật sư trong và ngoài nước, nhằm nâng cao ý thức của sinh viên ngành luật về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và những tác hại của của việc sử dụng hàng giả. Đồng thời, thông qua chương trình, sinh viên ngành luật trên địa bàn TPHCM được hướng nghiệp, tiếp cận những thông tin về cơ hội nghề nghiệp, điều kiện tuyển dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Chiến dịch Unreal là một chương trình được tổ chức bởi INTA nhằm giáo dục học sinh, sinh viên về sự nguy hiểm của hàng giả và tầm quan trọng của nhãn hiệu. Sinh viên hiểu về hàng giả, hàng nhái để trở thành người tiêu dùng thông minh và với sinh viên ngành luật, có thể góp phần bảo vệ các tài sản trí tuệ tốt hơn, từ đó giúp cho những doanh nghiệp chân chính có thể phát triển.
Trong ngày hội, Luật sư Nguyễn Thị Mai Linh chia sẻ, hiện nay, khi các tài nguyên thiên nhiên dần dần cạn kiệt và không còn là điều kiện tiên quyết thì tri thức đã dần dần lên ngôi, tri thức đã dần trở thành điều kiện tiên quyết trong cuộc sống ngày nay. Những ai sở hữu công nghệ cao, sở hữu kỹ thuật tốt, sở hữu các tài sản trí tuệ tiên tiến sẽ dẫn đầu xu hướng trong tương lai. Hiện nay và cả trong tương lai, sẽ cần nhiều nhân lực hơn cho lĩnh vực sỡ hữu trí tuệ, mở ra cơ hội nghề nghiệp lớn cho các sinh viên ngành luật.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì nên tiếp cận đối tượng nào, bà Nguyễn Thị Mai Linh chia sẻ, lĩnh vực sở hữu trí tuệ là lĩnh vực rất rộng lớn, gồm nhiều lĩnh vực như nhãn hiệu, sáng chế, bản quyền… Sinh viên ngành luật có thể chọn một khía cạnh phù hợp nhất với sở thích, sở trường và nền tảng đào tạo của mình. Riêng về sáng chế, là lĩnh vực đặc thù, cần có nền tảng chắc về kỹ thuật, hóa dược, cơ khí, công nghệ… nên phù hợp hơn với người làm kỹ thuật và yêu thích ngành luật.
Để chọn được nghề nghiệp chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật sư Lê Xuân Lộc gợi ý sinh viên luật nên xem lại mình thực sự thích lĩnh vực nhỏ nào trong sở hữu trí tuệ thì chọn lĩnh vực đó. Nếu vẫn chưa biết mình thích gì thì có thể trải nghiệm các lĩnh vực khác nhau rồi tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất.
Theo Luật sư Lê Xuân Lộc, trong mọi trường hợp, một nền kiến thức cơ bản vững chắc và niềm đam mê là khởi nguồn cho tất cả.
Luật sư Thomas J.Treutler, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins Việt Nam chia sẻ, để trở thành luật sư giỏi, các luật sư tương lai cần biết chuyên sâu một số lĩnh vực và biết cơ bản các lĩnh vực liên quan. Riêng các vụ việc về bản quyền ở Việt Nam chưa có nhiều vụ cụ thể, nên sinh viên cần nghiên cứu tài liệu và tham khảo các vụ án về bản quyền ở nước ngoài để có nền tảng.
Các luật sư cũng chia sẻ, luật sư hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhìn chung có thu nhập tốt hơn so với mặt bằng chung của các luật sư tại Việt Nam. Hẳn nhiên, yêu cầu với các luật sư ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng cao: nắm chắc pháp lý, và có ngoại ngữ tốt.