Thị trường đầy tiềm năng
Trong xu thế hội nhập, do những yêu cầu khắt khe của các hiệp định thương mại cũng như ý thức xã hội ngày càng cao về vấn đề môi trường, Việt Nam đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cho các dự án, hạ tầng liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường. Các chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận rằng, đây là thị trường rất tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực môi trường đang nhanh chóng xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác của Việt Nam, thông qua việc giới thiệu công nghệ, cung cấp trang thiết bị cho các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy phát triển năng lượng xanh, công nghệ giảm ngập, thoát nước đô thị, xử lý chất thải rắn… Đồng thời các DN này muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược để duy trì triển khai dự án xử lý nước thải một cách bền vững.
Tương tự, ông Dan Sullivan, Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Đông Nam (Australia), cũng cho biết các đô thị của Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải đô thị, thoát nước chống ngập. Để xử lý những vấn đề này, cần thiết phải có một giải pháp quản lý tích hợp tuần hoàn nước cho đô thị. Từ kinh nghiệm trong việc quản lý, xử lý, sử dụng nguồn nước của Australia và đặc biệt một quốc gia có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tiên tiến như Australia hy vọng có thể được truyền tải đến Việt Nam để cùng nhau phát triển.
Trong khi đó, các Công ty Innovest Venture, Công ty Sterling & Wilson PVT (Ấn Độ) lại đang có nhu cầu gặp đối tác về tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng quản lý và xử lý rác thải, các lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo cũng muốn gặp gỡ đối tác của Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hybird), điện năng.
Khuyến khích sự tham gia của DN
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay áp lực tăng trưởng kinh tế, tăng dân số và vấn đề đô thị hóa là những nguyên nhân cơ bản làm tăng chất thải, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Cùng với đó, nhu cầu tài chính nhằm triển khai công tác bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao, trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn, sức ép trần nợ công tăng lên và các nguồn hỗ trợ quốc tế giảm dần…
Trong khi đó, nguồn thu chi cho công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn mất cân đối, nguồn chi luôn lớn hơn nguồn thu. Nguồn vốn ODA và FDI có tăng qua các năm, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với tổng nhu cầu vốn cho công tác bảo vệ môi trường. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, chúng ta đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn để đáp ứng các nhu cầu bảo vệ môi trường. Để thu hút được nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giấy phép con và hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư, thay vì chính sách ưu đãi thuế như hiện nay. Đồng thời công khai, minh bạch trong cơ chế giá, thông tin, quy hoạch dịch vụ môi trường.
Liên quan đến lĩnh vực này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cũng cho biết cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường từ chính quá trình đô thị hóa và sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành phố đã và đang đẩy mạnh các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc quản lý, xử lý các lĩnh vực về môi trường. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp, các sở ngành, người dân thành phố cũng khuyến khích, kêu gọi DN trong và ngoài nước chung tay cùng thành phố quyết tâm thực hiện công tác cải thiện và bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.