Ở cấp độ địa phương, TPHCM, nơi có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, luôn duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020-2024, đã sớm xây dựng các kịch bản tác động để từ đó chủ động có những biện pháp ứng phó trước mắt lẫn lâu dài.

Dựa trên các kịch bản tăng trưởng được xây dựng, TPHCM đã chủ động, linh hoạt và quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP là 8,5% trong năm 2025.
Để đạt được điều này, ngoài các trụ cột kinh tế truyền thống trước đây về đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, thành phố đang xúc tiến nhiều giải pháp khơi thông phát triển các nguồn lực mới.
Theo đó, tập trung đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2025 như đã cam kết (quý 2 đạt 30%, quý 3 đạt 75%, quý 4 trên 95%) và thu hút đầu tư tư nhân với mục tiêu thu hút gần 500.000 tỷ đồng/600.000 tỷ đồng tổng thể vốn đầu tư xã hội.
Tăng tốc nhằm khơi thông những động lực mới như đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các nghị quyết đặc thù của thành phố: Nghị quyết 98, Nghị quyết 188 về phát triển đường sắt đô thị TPHCM, Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuẩn bị Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM.
Cùng với đó là đẩy nhanh các dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như Vành đai 3, Vành đai 4 và khu thương mại tự do kết nối với Singapore, châu Âu và Nhật Bản nhằm vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho thành phố, vừa tận dụng các lợi thế khác biệt của từng đối tác.
Tất cả bám sát tinh thần chỉ đạo sát thực của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, “đây cũng là cơ hội để xem xét tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất Made by Vietnam (tạo ra bởi người Việt) cũng như phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ”.
Hiệu quả của các biện pháp trên nên được cụ thể bằng chỉ số cụ thể thông qua việc “khoán tăng trưởng” mà Trung ương đã giao nhiệm vụ cho thành phố trong năm 2025, nhất là việc theo dõi sát sao các chỉ tiêu theo từng tháng, từng quý.
Rõ ràng, chúng ta đã chủ động nhận diện sát tình hình để chuẩn bị xây dựng một gói kích cầu đầu tư mạnh mẽ hơn (như trong thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19), tập trung vào các hạ tầng giao thông, mở rộng ra các hạ tầng dịch vụ - logistic, hạ tầng xã hội, và hạ tầng kỹ thuật số.
Chính quyền thành phố sẽ sớm có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của thuế quan theo Nghị quyết 98, đặc biệt về thuế và đất đai, bổ sung các khoản vay thanh khoản để giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn, xác định thị trường trọng điểm thay thế cho từng ngành, tận dụng các FTA khác để bù đắp thị trường Hoa Kỳ…
Để tận dụng lợi thế là Hoa Kỳ hiện không tính thâm hụt thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tương tự như hàng hóa, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu sang Hoa Kỳ những dịch vụ tiềm năng như gia công phần mềm, dịch vụ tư vấn công nghệ, phát triển ứng dụng…
Như vậy, vừa là sự tiếp cận sâu trên nền tảng hạ tầng - nhân lực - thể chế vừa tận dụng động lực từ cuộc cách mạng mới về khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, lấy chuyển đổi số làm công cụ để chuyển đổi, ngay thời điểm “cú sốc” thuế quan toàn cầu.
Đó là những bước đi gần như đã được dự cảm - chuẩn bị, dự báo - lên phương án, thể hiện sự chủ động, thích ứng. TPHCM đã sẵn sàng cho một cuộc chạy tiếp sức, mà mục tiêu đầu tiên là “vượt qua chính mình”!