Tiêu dùng bán lẻ vẫn khó khăn
Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế gần đây đều có chung nhận định, nửa đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng cũng như mở rộng thị trường. “Năm 2024, nền kinh tế thế giới được nhận định chưa thể phục hồi. Cá nhân tôi dự đoán năm 2024, kinh tế thế giới lẫn Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bán lẻ cũng không nằm ngoài diễn biến chung đó”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định.
Theo thống kê được Bộ Công thương đưa ra về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong 2 tháng đầu năm nay, trên cơ bản có tăng 8,1% so với cùng kỳ khi đạt hơn 1.031 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, mức tăng này lại chỉ bằng 55,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%) và một điểm đáng lưu ý là nhu cầu tiêu dùng hiện chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, trong một khảo sát về mức độ mua sắm của người tiêu dùng của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố ngày 7-3-2024, có tới trên 40% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm trong năm nay.
Ngoài yếu tố trên, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thực sự về chiều sâu bởi người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Theo đó, có 69% người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; 45% chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ (có chứng nhận Organic) có tỷ lệ người chọn mua là 25%.
Tuy nhiên, có một điểm tích cực, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, những mặt hàng liên quan đến thực phẩm, đồ uống thiết yếu vẫn giữ được sức mua tương đối ổn định, đáng chú ý là những mặt hàng liên quan đến hóa mỹ phẩm, chăm sóc da… có mức tăng trưởng tương đối khá.
Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, bên cạnh việc luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ, công nghệ mới hiệu quả; đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng, đem đến những sản phẩm mang “bản sắc” riêng của doanh nghiệp cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn.
Nhiều giải pháp linh hoạt
Với những thuận lợi và thách thức của thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã có những chiến lược riêng để tiếp cận thị trường, kích cầu sức mua. Ở lĩnh vực sản xuất, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed - Farm - Food, đồng thời phối hợp rà soát, kiểm tra, đánh giá nguồn nguyên liệu heo hơi, bò hơi theo bộ tiêu chí đánh giá của nhà cung cấp cho công ty.
Triển khai xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh trong dài hạn. Đặc biệt sẽ thực hiện kích cầu mua sắm, tăng sản lượng bán ra với các chương trình hỗ trợ bán hàng trọng điểm (theo sản phẩm, khu vực..), chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm duy trì thị phần, giữ chân người tiêu dùng.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, ngoài đẩy mạnh điện toán hóa/số hóa, Saigon Co.op sẽ phát triển mô hình mới và đầu tư điểm bán nhằm phục vụ đa dạng khách hàng. Đồng thời, từ tháng 3-2024, Saigon Co.op sẽ triển khai chương trình sổ giá cho khách hàng thành viên. Theo đó, mỗi cấp độ khách hàng thành viên sẽ được mua hàng khuyến mãi với mức giảm giá khác nhau, thành viên cấp độ càng cao càng được ưu đãi nhiều hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ căn cơ để quy hoạch tổng thể cung - cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia, nhằm giúp các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Và để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.