Theo một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen IQ công bố mới đây, có khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng giá trong 8 tháng tính từ đầu năm 2023. Mức tăng giá trung bình của nhóm hàng này khoảng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng 7,6%, bia tăng 7,3% và sản phẩm từ sữa tăng 4,9%.
Cũng do giá tăng mà người tiêu dùng ngoài chi tiêu tiết kiệm hơn còn có xu hướng săn đón các chương trình khuyến mãi. Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Kantar cho thấy 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng tìm kiếm chương trình ưu đãi hấp dẫn trước khi quyết định mua hàng. Khuyến mãi cũng đang trở thành động lực kích thích tiêu dùng và là lý do để người dùng chờ đợi khi muốn sở hữu một món đồ mới. Việc giá hàng hóa tăng cộng với xu hướng chi tiêu thay đổi của người tiêu dùng đã và đang tác động đến bức tranh bán lẻ thời gian qua.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam đã giảm và lần đầu tiên đứng ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, để góp phần bình ổn giá hàng hóa và giữ chân khách hàng, các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm kìm giá hàng hóa. Chẳng hạn với các nhà sản xuất thực phẩm thuộc Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch của FFA, mặc dù chịu áp lực của tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đội lên nhưng các doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.
Theo đó, có 44 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm thuộc FFA đã đăng ký với Sở Công thương TPHCM sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nay đến hết năm. Bên cạnh đó, nhằm hạ giá thành, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. Riêng với các nhà bán lẻ, điển hình như Saigon Co.op, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, thời gian qua các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op vẫn thực hiện chính sách kìm giữ giá. Để làm được như vậy, Saigon Co.op đã thực hiện các hợp đồng giữ giá, bình ổn giá dài hạn với nhiều nhà cung cấp.
Trường hợp một số nhóm hàng bị áp lực tăng giá, Saigon Co.op sẽ có nhóm hàng tương đương với giá tốt hơn để người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm thả ga, không lo về giá, Saigon Co.op còn liên tục thực hiện các đợt khuyến mãi luân phiên, kéo dài, mức giảm từ 15%-50%, qua đó giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn. Những đợt giảm giá nổi bật mà nhà bán lẻ này đã thực hiện có thể kể tới như: Chương trình “Ngôi sao hàng Việt” giảm giá mạnh cho 21.000 sản phẩm; chương trình “Big size big sale - Deal hời mua ngay” giảm giá hơn 1.000 sản phẩm có kích thước/dung tích lớn, gấp 1,5-2 lần so với sản phẩm thông thường; chương trình “Thương hiệu hội tụ siêu sale” dành ưu đãi cho hơn 500 sản phẩm là thương hiệu Việt được khách hàng ưa chuộng… Gần đây nhất là chương trình “Sắm thả ga có Co.opmart trợ giá” được tổ chức với sự phối hợp của hơn 1.000 đối tác kinh doanh nhằm giúp khách hàng mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho gia đình và bản thân tiết kiệm tối đa.
Đáng chú ý, chương trình “Sắm thả ga có Co.opmart trợ giá” vừa kết thúc, nhà bán lẻ này tiếp tục thực hiện đợt giảm giá mới, kéo dài từ ngày 30-11 đến 12-12 cho các sản phẩm hàng nhãn riêng. Mức giảm được thực hiện đến 50% và áp dụng cho các sản phẩm từ hóa mỹ phẩm, hàng thời trang, thực phẩm cho đến hàng gia dụng, chất tẩy rửa. Hiện sản phẩm hàng nhãn riêng của Saigon Co.op đang được phát triển với 3 dòng nhãn gồm Co.op Finest (dòng hàng cao cấp), Co.op Select (dòng hàng phổ thông) và Co.op Happy (dòng hàng tiết kiệm). Các sản phẩm này khi chưa giảm vốn có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10%-15% nhưng chất lượng được nhà sản xuất cam kết tương đương. Chính vì thế, khi được giảm thêm, các sản phẩm này được nhận định có giá rất tốt.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, việc nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ tập trung tổ chức các chương trình khuyến mãi đã và đang góp phần giúp thị trường ổn định, tạo yên tâm cho người tiêu dùng mua sắm, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.