Linh hoạt thị trường ngoại
Tính đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD và thặng dư thương mại ước gần 10 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành chế biến lương thực - thực phẩm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là Mỹ với 21,9%, thị trường châu Âu 11,7%, khu vực ASEAN 10,1%, Nhật Bản 8,8% và Hàn Quốc 5,8%.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết trong năm 2018, xuất khẩu của ngành vào một số thị trường truyền thống gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, Chính phủ nước này đã ban hành hàng loạt rào cản về tiêu chuẩn chất lượng, quy cách bao bì, nhãn mác… đối với hàng nông - thủy - hải sản nhập từ Việt Nam. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không thể duy trì, cũng như mở rộng thị phần tại thị trường này.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng nông - thủy - hải sản vào thị trường Trung Quốc giảm 10,5%. Trước đó, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cũng đã giảm 5,5%. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải tự giảm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và chuyển hướng sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nga…
Nhiều doanh nghiệp đầu tư trở lại vào thị phần trong nước. Các doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống, cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá thị trường; từ đó tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết riêng tại TPHCM - nơi tập trung 2/3 lượng doanh nghiệp sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực - thực phẩm cũng ghi nhận là giữ mức tăng trưởng hơn 2% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, phân ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh đến 7,38%. Còn nếu xét tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp, vẫn luôn giữ mức tăng trưởng 18,5%. Tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến lương thực - thực phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung.
Mở rộng thị trường nội
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành chế biến lương thực - thực phẩm nói riêng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tiến độ cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại.
Riêng tại TPHCM, thành phố sớm có chính sách quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên biệt cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm về quy mô, diện tích nhà xưởng phù hợp với nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua các giải pháp tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh với nhau và giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất - nhà quản lý. Đây cũng là giải pháp cấp thiết để thành phố giữ chân các doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp dịch chuyển sang các tỉnh lân cận như hiện nay.
Còn với thị trường, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp phát huy lợi thế xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, các cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ các thương hiệu bán lẻ như Sài Gòn Co.op, Satra Mart… mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng cửa hàng mới. Đây cũng được xem là giải pháp gián tiếp giúp doanh nghiệp nội tăng sự hiện diện trên thị trường, tạo sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Bà Lý Kim Chi nhấn mạnh thêm, về phía hội cũng như doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng đề án chuẩn hóa logo tiêu chuẩn chất lượng dành cho sản phẩm ngành lương thực, góp phần nâng cao thương hiệu nội, tăng nhận diện cho người tiêu dùng. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng kiểm soát sản phẩm ngành lương thực - thực phẩm theo đúng quy định.
Một vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập là Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành sớm sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đồng thời, điều chỉnh thời gian áp dụng thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm để giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp.
Bởi với Nghị định 09/2016/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp đã phải thiết lập 2 dây chuyền sản xuất, bao gồm dây chuyền có bổ sung vi chất (sản phẩm cung cấp thị trường nội địa) và dây chuyền sản xuất không bổ sung vi chất (sản phẩm xuất khẩu). Riêng với Thông tư 24/2019/TT-BYT có thời gian áp dụng quá gấp, buộc doanh nghiệp có nguy cơ phải loại bỏ số lượng bao bì đã in ấn trước đó, gây lãng phí đáng kể nguồn lực, cũng như tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.