Cụ thể, nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào sinh hoạt Đảng cũng như trao đổi các thông tin đến từng đảng viên. Việc sinh hoạt Đảng trực tuyến cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho phép thí điểm ở một số chi bộ, đảng bộ đặc thù trong hoàn cảnh đặc biệt.
Giải pháp phù hợp
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TPHCM Ngô Thành Tuấn cho biết, thời điểm thành phố căng mình phòng chống dịch, nhiều đảng viên các chi bộ (thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TPHCM) đi công tác và “mắc kẹt” lại ở địa phương khác. Để đảm bảo quy định sinh hoạt Đảng, một số chi bộ đã tổ chức họp trực tuyến, giúp đảng viên đang ở xa cũng tham gia, nắm bắt được tình hình thực tế tại đơn vị và thảo luận các nội dung sinh hoạt.
“Các chi bộ mới tổ chức họp trực tuyến nên kết quả chưa thể bằng sinh hoạt trực tiếp. Dù vậy, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu và quy định nên cần xem xét, đánh giá thêm để tiếp tục duy trì họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết”, đồng chí Ngô Thành Tuấn nêu ý kiến.
Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng thống nhất chủ trương cho cấp ủy các cơ sở Đảng trực thuộc tổ chức sinh hoạt trực tuyến khi thành phố thực hiện giãn cách phòng chống dịch. Một số chi bộ thuộc đảng bộ các bệnh viện cũng tổ chức sinh hoạt Đảng trực tuyến.
Đại diện Đảng ủy Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, thời gian qua, các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện được điều động làm nhiệm vụ tại nhiều khu thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh viện dã chiến, do đó các chi bộ đã linh hoạt gởi tài liệu sinh hoạt Đảng cho đảng viên. Đặc biệt, một số chi bộ còn tổ chức lễ kết nạp Đảng cho nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 bằng hình thức trực tuyến. Lễ kết nạp Đảng được tổ chức nhanh gọn nhưng không kém phần ấm cúng, để lại nhiều xúc cảm đối với đảng viên mới.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có văn bản số 209-CV/TU chỉ đạo “về hình thức họp của cấp ủy, tổ chức đảng trong tình hình hiện nay”.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức họp định kỳ theo hình thức cung cấp thông tin, gửi các nội dung cần xin ý kiến bằng văn bản đến từng thành viên, đảng viên (nếu có). Cùng đó là gửi dự thảo nghị quyết đến từng thành viên, đảng viên để lấy ý kiến và thống nhất thực hiện; đồng thời phải lập hồ sơ lưu trữ theo quy định đối với các nội dung đã xin ý kiến.
Vào thời điểm không thể gửi tài liệu trực tiếp, nhiều chi bộ thực hiện việc trao đổi thông tin, tài liệu chủ yếu qua thư điện tử, các nền tảng công nghệ phù hợp... Nhờ được tiếp cận tài liệu sớm, có thời gian nghiên cứu nên đảng viên nắm bắt các hoạt động của chi bộ sát hơn cũng như có nhiều ý kiến góp ý sâu, sát sườn hơn.
Góp phần nâng chất lượng sinh hoạt Đảng
Hiện nay, hình thức sinh hoạt Đảng trực tuyến cũng được nhiều cơ sở đảng ở một số tỉnh, thành áp dụng. Về vấn đề này, Quy định 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (về thi hành Điều lệ Đảng) đã cho phép thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở một số đảng bộ, chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận 7 Châu Xuân Đại Thắng, điểm hạn chế của họp trực tuyến là cấp ủy không thể gặp gỡ trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên. Dù vậy, trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cũng như xu hướng chung hiện nay, việc duy trì song song cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến là rất cần thiết.
“Khi điều kiện cho phép thì nên tổ chức họp trực tiếp nhưng tài liệu (không mật) có thể vẫn tiếp tục trao đổi bằng các giải pháp công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc duy trì trao đổi thông tin cũng giúp thông tin đến cấp ủy một cách nhanh chóng, kịp thời để có hướng chỉ đạo, xử lý ngay”, đồng chí Châu Xuân Đại Thắng góp ý.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga đánh giá, về lâu dài, việc sinh hoạt Đảng trực tuyến trong một vài trường hợp là cần thiết, nhất là phù hợp với những tổ chức có đảng viên thường xuyên phải đi công tác, đảng viên phân tán ở nhiều địa bàn, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Đặc biệt, khi việc sinh hoạt Đảng có ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cũng sẽ phần nào là một trong những yếu tố thu hút quần chúng trẻ phấn đấu tham gia vào hàng ngũ của Đảng. Thậm chí, công nghệ thông tin sẽ là nền tảng để cấp ủy mạnh dạn cải thiện nội dung các buổi sinh hoạt, góp phần nâng chất lượng sinh hoạt Đảng tại cơ sở.
Theo TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, kết quả thực hiện thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến nếu hiệu quả thì có thể được xem xét nhân rộng. Đây cũng là mong muốn của các đơn vị có các bộ phận đóng ở nhiều địa bàn khác nhau, đảng viên thường xuyên đi công tác. Trong đó, để chuẩn bị tốt cho cuộc họp chi bộ trực tuyến có chất lượng, ngoài nội dung họp, người chủ trì phải đảm bảo được kỹ năng điều hành, kỹ năng tổng hợp ý kiến và thao tác trên phần mềm. Đặc biệt, cần lưu ý gửi dự thảo nội dung cuộc họp chi bộ đến đảng viên trước khi cuộc họp chi bộ diễn ra để đảng viên đọc, nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.